Nhật Bản: Các cuộc gọi lừa đảo gia tăng & cách phòng tránh

Comment: 1

Chợ giá – Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA) mới đây đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp về sự gia tăng mạnh mẽ các vụ lừa đảo liên quan đến việc giả mạo cảnh sát, đặc biệt là các cuộc gọi lừa đảo có nội dung “Bạn là nghi phạm”. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, những kẻ lừa đảo đã bắt đầu sử dụng các phương thức tinh vi để đánh lừa nạn nhân, mạo danh cảnh sát và yêu cầu họ chuyển tiền dưới nhiều hình thức khác nhau.

Số vụ lừa đảo tại Nhật Bản tăng đột biến

cac cuoc goi lua dao dang gia tang
Cảnh sát Nhật Bản cảnh báo các cuộc gọi lừa đảo đang tăng mạnh

Theo dữ liệu từ NPA cung cấp thì trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 năm nay, đã có tổng cộng 1.039 vụ lừa đảo được xác nhận, trong đó các thủ phạm đã giả mạo cảnh sát. Số thiệt hại từ các vụ việc này ước tính lên tới 10,6 tỷ yên, tương đương khoảng 71,4 triệu đô la Mỹ. 

Được biết, các cuộc gọi lừa đảo này thường có nội dung thông báo rằng nạn nhân đang là đối tượng trong một cuộc điều tra, sau đó yêu cầu họ chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin tài chính.

NPA cho biết các thủ đoạn gian lận này ngày càng tinh vi hơn. Các đối tượng tội phạm không chỉ sử dụng các số điện thoại giả mạo của đồn cảnh sát mà còn sử dụng những số điện thoại mang đặc điểm của các cơ quan cảnh sát hợp pháp như số điện thoại có đuôi -0110, vốn là một hậu tố thường được cảnh sát sử dụng.

Cần cảnh giác với các cuộc gọi giả mạo

Trong số các cuộc gọi lừa đảo gần đây thì có tới 848 cuộc gọi được xác nhận là từ các số điện thoại giả mạo các đồn cảnh sát trên khắp Nhật Bản. Đặc biệt, có 788 cuộc gọi được phát hiện từ Đồn cảnh sát Shinjuku thuộc Sở cảnh sát đô thị Tokyo (MPD). 

Và các cuộc gọi lừa đảo không chỉ xảy ra ở Tokyo mà còn tại các tỉnh khác như Aichi, Hokkaido, và Hyogo. Mới đây, cơ quan chức năng còn phát hiện một số lượng lớn các cuộc gọi giả mạo số điện thoại của các trụ sở cảnh sát, với 610 cuộc gọi được ghi nhận từ các số này.

Ngoài ra, các cuộc gọi từ các số điện thoại có đuôi -0110 chính là một dấu hiệu nhận diện thường thấy ở các cuộc gọi của cảnh sát, đã gia tăng đáng kể. Mặc dù trong tháng 1 năm 2024, chỉ có 5 trường hợp sử dụng số điện thoại có đuôi này, nhưng vào tháng 2 năm nay, con số này đã lên đến 2.239 cuộc gọi.


Cách nhận diện và phòng tránh lừa đảo

Theo NPA cảnh báo thì người dân cần phải hết sức cẩn thận khi nhận được những cuộc gọi có nội dung thông báo rằng họ là đối tượng trong một cuộc điều tra. Các chuyên gia cảnh sát khuyến cáo nếu nhận được một cuộc gọi như vậy, người dân nên lập tức cúp máy và liên hệ với cơ quan chức năng qua đường dây hỗ trợ “#9110”. 

Ngoài ra, người dân cũng cần chú ý không cung cấp bất kỳ thông tin tài chính nhạy cảm hay chuyển tiền đến các tài khoản nghi ngờ. Nếu phát hiện điều khác lạ, hãy liên hệ trực tiếp với các cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn. 

Các nhà chức trách cũng khuyến cáo rằng, nếu nhận thấy có bất kỳ sự bất thường nào trong các cuộc gọi từ các cơ quan công quyền, người dân nên thận trọng và xác minh ngay lập tức thông qua các kênh chính thức.

Phòng ngừa và hợp tác quốc tế

Một vấn đề nghiêm trọng mà NPA đang đối mặt chính là sự gia tăng của các phần mềm và ứng dụng có khả năng giả mạo số điện thoại của người gọi. Những công cụ này ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở các quốc gia ngoài Nhật Bản, khiến cho các cuộc gọi giả mạo trở nên khó phát hiện hơn.

Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản đang phối hợp với Bộ Nội vụ và Truyền thông, cũng như các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, để phát triển các biện pháp ngăn chặn hiệu quả hơn, nhằm đối phó với tình trạng này. Các biện pháp nâng cao nhận thức cộng đồng và phát triển các công cụ bảo vệ người dân khỏi các cuộc gọi giả mạo sẽ được triển khai trong thời gian tới.