Chợ giá – Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu chao đảo, chứng khoán lao dốc, đồng Yên Nhật đang nổi lên như một nơi trú ẩn an toàn với các nhà đầu tư. Lãi suất tăng, cùng các số liệu kinh tế Mỹ kém lạc quan khiến tỷ giá Yên Nhật lên cao nhất kể từ đầu năm so với USD.
Yên Nhật tăng mạnh 10% trong 3 tuần
Chỉ trong vòng 3 tuần qua, đồng yên Nhật đã tăng giá 8% so với đồng USD và tốc độ tăng này đã khiến nhiều nhà tham gia thị trường bất ngờ.Trong phiên giao dịch ngày 05/08, giá yên Nhật có thời điểm tăng 2,3% so với đôla Mỹ, lên 142,2 JPY một USD.
Đà tăng của đồng yên được kích hoạt bởi động thái can thiệp của nhà chức trách Nhật. Theo đó, chính phủ Nhật Bản đã phải can thiệp vào thị trường tiền tệ vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, và tiếp đó là trong tháng 7 vừa qua. Trong đó, đợt can thiệp tháng 4 – 5 tiêu tốn gần 66 tỷ USD, trong khi đợt can thiệp trong tháng 7 tiêu tốn gần 37 tỷ USD.
Vào ngày 31/7, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nâng lãi tham chiếu lần thứ hai trong năm, lên quanh 0,25%, từ mức 0-0,1% trước đó. Cơ quan này cũng ra tín hiệu tiếp tục tăng lãi nếu nền kinh tế diễn biến đúng kỳ vọng.
Sức mạnh của đồng Yên tiếp tục được củng cố khi ngày càng nhiều nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ đẩy nhanh tốc độ cắt giảm lãi suất để “cứu rỗi” nền kinh tế đang rơi vào suy thoái. Thị trường đang đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất tới 50 điểm cơ bản (0,5%) trong phiên họp tháng 9.
Việc lãi suất của Nhật Bản tăng cùng kỳ vọng FED cắt giảm lãi suất sâu đã rút ngắn nhanh chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản. Qua đó, khiến phong trào bán đồng USD và mua đồng Yên trở nên mạnh mẽ hơn.
Đồng yên Nhật chiếm ưu thế
Đồng yen từng là mục tiêu lý tưởng cho hoạt động carry trade (giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ) trong bối cảnh lãi suất tại Nhật Bản duy trì ở mức thấp gần 20 năm. Những giao dịch này cho phép các nhà đầu tư vay bằng một đồng tiền có lãi suất thấp sau đó đổi sang đồng tiền khác để đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao hơn.
Tuy nhiên việc BOJ tăng lãi suất vào thời điểm các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu cắt giảm lãi suất, thì áp lực lên giao dịch ‘carry trade’ ngày càng tăng. Các nhà đầu tư đang chịu sức ép bán các tài sản khác để trả nợ khoản vay bằng yen Nhật, châm ngòi cho làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán, tiền số toàn cầu trong vài ngày qua.
Mặt khác, các nhà bán khống – lực lượng đã đẩy đồng yên xuống mức thấp nhất 38 năm vào đầu tháng 7 – đang ồ ạt tháo chạy khỏi các vị thế này trước nguy cơ thua lỗ. Trong vòng 1 tháng trở lại đây, các nhà đầu cơ đã cắt giảm vị thế bán khống yên với mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Ở mức 8,61 tỷ USD, vị thế bán khống yên hiện thấp hơn 40% so với mức đỉnh của 7 năm ghi nhận vào tháng 4 – theo dữ liệu từ cơ quan giám sát thị trường Mỹ.
Đồng Yên sẽ tiếp tục tăng giá?
Với định hướng lãi suất trái chiều của Mỹ và Nhật Bản trong các cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ gần đây, các nhà giao dịch cho rằng động thái tiếp theo của các nhà đầu cơ sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ là yếu tố quyết định diễn biến thị trường. Và điều đó có thể đồng nghĩa rằng đồng yên còn tiếp tục tăng giá.
Nhiều nhà phân tích cũng tin rằng, đồng Yên có thể tăng giá tới 140 yên đổi 1 USD trong năm nay (hiện tại hôm nay 05/08/2204, tỷ giá USD/JPY đang ở mức 145), và thậm chí có thể còn tăng cao hơn nữa.
Hiện thị trường đang chờ đợi dữ liệu về chi tiêu tiêu dùng của hộ gia đình sẽ được công bố vào hôm nay. Mặc dù dự báo cho thấy mức giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng sự phục hồi của chi tiêu tiêu dùng vẫn là yếu tố quan trọng đối với nền kinh tế Nhật Bản.
Ngoài ra, vào ngày 8 tháng 8 tới, BOJ sẽ tiếp tục công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 7. Tài liệu này sẽ cung cấp thêm thông tin về quan điểm của các thành viên hội đồng quản trị về đường đi của lãi suất trong tương lai. Nếu có dấu hiệu ủng hộ việc tăng lãi suất nhiều lần, đồng Yên có thể tiếp tục được hưởng lợi.
Không có bình luận.
Bạn có thể trở thành người đầu tiên để lại bình luận.