Chợ giá – Chính phủ Úc gần đây đang phải đối mặt với một thất bại trong quan hệ thương mại với Mỹ khi không giành được quyền miễn trừ thuế quan đối với nhôm và thép, dù đã có nhiều nỗ lực vận động.
Theo như quyết định mới của Mỹ thì thuế suất 25% đối với thép và 10% đối với nhôm sẽ tiếp tục có hiệu lực. Đây là quyết định gây thất vọng lớn đối với chính phủ Úc, khi họ đã kỳ vọng vào một thỏa thuận miễn trừ đặc biệt từ Mỹ.

Thủ tướng – Anthony Albanese cũng đã chỉ trích quyết định này, ông cho rằng nó đi ngược lại tinh thần hữu nghị lâu dài giữa hai quốc gia. Ông nói: “Đây không phải là hành động hữu nghị. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để có được kết quả khác.”
Ông cũng nhấn mạnh rằng chính phủ Úc sẽ không áp dụng thuế quan trả đũa đối với Mỹ vì điều này sẽ làm tăng giá cho người tiêu dùng Úc, đồng thời khẳng định rằng quyết định của Mỹ sẽ làm tăng chi phí cho người tiêu dùng Mỹ.
Những lo ngại về tác động kinh tế
Theo phó Thủ tướng – Richard Marles cho biết thì chính phủ Úc vẫn sẽ tiếp tục vận động để có được miễn trừ, dù trước đó trong nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Trump, Úc đã phải mất tới 9 tháng mới có thể giành được miễn trừ thuế quan.
Ông nhận định: “Thuế quan này không có ý nghĩa gì cả, đó là hành động tự gây tổn hại về mặt kinh tế.” Chính phủ Úc cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm những thị trường thay thế cho thép và nhôm xuất khẩu của mình, trong bối cảnh mối quan hệ thương mại với Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mặc dù không giành được miễn trừ thuế quan, các doanh nghiệp như BlueScope vẫn hy vọng vào một tác động tích cực. BlueScope, nhà sản xuất thép lớn tại Mỹ, với hơn 3 triệu tấn thép sản xuất mỗi năm tại nhà máy NorthStar BlueScope ở Delta, Ohio, kỳ vọng rằng việc cải thiện giá thép sẽ giúp họ giảm bớt tác động của thuế quan.
Chính phủ Úc tiếp tục đấu tranh
Bộ trưởng Ngoại giao – Penny Wong đã lên án quyết định này là “vô cớ và không chính đáng”, đồng thời nhấn mạnh rằng Úc sẽ tiếp tục nỗ lực để bảo vệ lợi ích của các ngành công nghiệp trong nước.
Ngoài ra, phó lãnh đạo phe đối lập – Sussan Ley, cũng chỉ trích chính phủ hiện tại vì chưa làm đủ để đảm bảo quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp Úc. Bà chỉ ra rằng các quốc gia trong nhóm Quad và AUKUS, bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Vương quốc Anh, đã có các cuộc gặp trực tiếp với Mỹ và bảo vệ mạnh mẽ lợi ích quốc gia của mình, trong khi Thủ tướng Albanese lại không có động thái quyết liệt.
Mặc dù thất vọng với kết quả hiện tại nhưng chính phủ Úc và các doanh nghiệp vẫn không từ bỏ. Được biết, Chính phủ Úc vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chiến lược ngoại giao và tìm kiếm các cơ hội mới để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ. Thủ tướng – Albanese và các quan chức cấp cao sẽ tiếp tục vận động các lãnh đạo Mỹ để xem xét lại chính sách thuế quan đối với các sản phẩm nhôm và thép từ Úc.
Mới đây, cựu Thủ tướng – Malcolm Turnbull cũng cho rằng Mỹ sẽ khó nhượng bộ trong việc miễn trừ thuế quan lần này. Tuy nhiên, ông cũng nhận định rằng những động thái ngoại giao của Úc sẽ không bị ảnh hưởng bởi các phát ngôn chỉ trích Trump của ông. Các nhà quan sát cho rằng dù chính quyền Mỹ tiếp tục áp dụng thuế quan, nhưng với chiến lược đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, Úc vẫn có thể tìm ra những cơ hội mới.
No comments.
You can be the first one to leave a comment.