Quan chức Bộ Tài Chính của Nhật Bản cho biết, đất nước này sẵn sàng hành động để chống lại những biến động tỷ giá hối đoái quá mức, sau khi đồng Yên giảm xuống mức khiến các nhà giao dịch lo ngại khả năng can thiệp vào thị trường ngoại hối tăng cao.
Hôm nay ngày 29/02/2024, 1 Yên Nhật (JPY) ước tính quy đổi được 162,73 đồng tiền Việt (VND). So với Đô la Mỹ (USD), tỷ giá quy đổi ở mức 150,36 JPY/USD. Tỷ giá Yên Nhật tăng nhẹ so với hôm qua sau cảnh báo cứng rắn từ quan chức Bộ Tài Chính Nhật Bản.
Lời cảnh báo của ông Masato Kanda, Thứ trưởng Bộ Tài Chính phụ trách các vấn đề quốc tế, có thể phản ánh mong muốn của Tokyo ngăn chặn đồng Yên giảm giá thêm, điều này có thể gây thiệt hại cho các hộ gia đình và nhà bán lẻ do làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu.
“Tôi sẽ không bình luận về các biến động gần đây của đồng tiền. Nhưng việc tỷ giá hối đoái biến động ổn định theo các yếu tố cơ bản là điều đáng mong đợi. Chúng tôi đang theo dõi các biến động tỷ giá hối đoái sát sao và sẵn sàng ứng phó phù hợp nếu thấy các biến động quá mức”, ông Kanda nói với các phóng viên vào thứ Tư bên lề cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính G20 ở Sao Paulo.
Đồng Yên là đồng tiền hoạt động kém nhất trong số các đồng tiền chủ chốt từ đầu năm 2024 đến nay do các quỹ đầu tư và những người tham gia thị trường đang giao dịch dựa trên chênh lệch lãi suất và lợi suất trái phiếu khổng lồ giữa Mỹ và Nhật Bản, đồng thời đặt cược rằng chênh lệch này sẽ tiếp tục duy trì.
Tính đến nay trong năm nay, đồng Yên đã giảm 6% giá trị so với đồng Đô la Mỹ, xuống dưới 150,00 JPY/USD, gần chạm mức thấp nhất của năm 1990 – khoảng 152,00 JPY/USD.
Biểu đồ tỷ giá JPY/VND hôm nay
Ông Kanda, người tham dự cuộc họp G20 thay mặt cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Shunichi Suzuki, cho biết ông đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách lưu tâm đến rủi ro rằng sự biến động có thể tăng cao trên thị trường tài chính, bao gồm cả tỷ giá hối đoái.
“Biến động quá mức trên thị trường ngoại hối là không mong muốn, và việc duy trì cam kết của G20 về tỷ giá hối đoái là rất quan trọng”, ông nói.
Nhóm G20 và nhóm G7 nhỏ hơn gồm các quốc gia phát triển có chung nhận thức rằng biến động ổn định của đồng tiền là điều mong muốn, và các quốc gia có thẩm quyền hành động trên thị trường khi biến động tỷ giá hối đoái trở nên quá mức.
Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường ngoại hối ba lần vào năm 2022 khi đồng Yên giảm xuống mức thấp nhất trong 32 năm gần 152 JPY/USD, thực hiện các đợt can thiệp bán USD, mua JPY hiếm hoi.
Mặc dù nhà chức trách không can thiệp vào thị trường kể từ đó, các nhà giao dịch vẫn đang cảnh giác trước bất kỳ dấu hiệu can thiệp nào khi đồng Yên chạm mức 150, được coi là ranh giới của Tokyo.
Các nhà chức trách Nhật Bản đã nhiều lần tuyên bố họ quan tâm hơn đến tốc độ biến động của đồng tiền, chứ không phải mức độ, để quyết định có can thiệp hay không và can thiệp vào thời điểm nào.
Sự suy giảm gần đây của đồng Yên một phần do kỳ vọng của thị trường tăng cao rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ duy trì lãi suất ở mức cực thấp, ngay cả sau khi rút chi phí vay ngắn hạn ra khỏi vùng âm.
Tỷ giá 1 man (一万 hay 10.000 Yên) chợ đen 29/2/2024
Không có bình luận.
Bạn có thể trở thành người đầu tiên để lại bình luận.