Chợ giá – Trong những năm gần đây, mức lương tại Nhật Bản đã có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt là đối với các nhóm lao động trẻ. Mặc dù nền kinh tế Nhật Bản đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức toàn cầu, mức tăng lương vẫn tiếp tục tăng mạnh, đạt trên 5% trong mùa đàm phán lương mùa xuân năm 2024. Tuy nhiên, sự phân bổ mức tăng lương này không đồng đều giữa các thế hệ lao động đã làm nổi bật sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm tuổi trong xã hội lao động Nhật Bản.
Lao động trẻ được ưu ái hơn

Theo kết quả khảo sát được thực hiện bởi Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren), khoảng 34,6% các giám đốc điều hành cho biết họ ưu tiên phân bổ mức tăng lương cho nhóm lao động trẻ, trong độ tuổi từ 20 đến 30. Đây là một chiến lược nhằm đảm bảo nguồn nhân lực cho tương lai, khi mà các công ty tìm cách thu hút và giữ chân những nhân tài trẻ.
Báo cáo từ Viện nghiên cứu Dai-ichi Life cũng cho thấy nhóm lao động từ 20 đến 29 tuổi chứng kiến mức tăng đáng kể trong lương thực tế trong vòng 5 năm qua. Cụ thể, nhóm từ 20 đến 24 tuổi có mức tăng lên tới 10,3%, trong khi nhóm từ 25 đến 29 tuổi tăng 9,5%. Đây là những con số ấn tượng, thể hiện một xu hướng rõ ràng: lao động trẻ đang được hưởng lợi nhiều hơn từ các chính sách tiền lương hiện nay.
Lao động trung niên và lao động cao tuổi gặp khó khăn
Ngược lại, nhóm lao động trung niên và cao tuổi lại chứng kiến sự chững lại hoặc giảm sút trong mức lương của mình. Cụ thể, nhóm từ 40 đến 44 tuổi chỉ chứng kiến mức tăng lương 0,1%, nhóm từ 45 đến 49 tuổi tăng 2,1%, và nhóm từ 50 đến 54 tuổi thậm chí có mức giảm lương lên đến 3,0%. Sự khác biệt rõ rệt giữa các thế hệ khiến nhiều lao động lâu năm cảm thấy bất mãn và khó khăn trong việc duy trì mức sống ổn định.
Một trong những lý do chính cho sự phân hóa này là tình trạng “thế hệ băng hà” – những người gia nhập lực lượng lao động trong giai đoạn 1993 – 2004, khi nền kinh tế Nhật Bản đang trải qua giai đoạn khủng hoảng.
Tại thời điểm đó, tỷ lệ việc làm giảm mạnh, và nhiều người lao động phải chấp nhận làm việc trong những điều kiện không ổn định như công việc bán thời gian hoặc hợp đồng ngắn hạn. Điều này đã ảnh hưởng đến khả năng thăng tiến và tích lũy kinh nghiệm của họ, khiến thu nhập của họ thấp hơn so với những người thuộc thế hệ trước.
Phản ứng của lao động trung niên và các giải pháp khắc phục
Phản ánh sự bất mãn của mình, nhiều lao động thuộc thế hệ “băng hà” chia sẻ những cảm giác thất vọng trên các nền tảng mạng xã hội. Với những bình luận như “Tôi ghen tị với thế hệ trẻ”, “Lao động của thế hệ chúng tôi không được đền đáp”, hay “Chúng tôi chỉ là bàn đạp cho thế hệ khác đến khi chúng tôi chết” đã vạch trần nỗi khổ của một thế hệ lao động bị bỏ lại phía sau. Sự phân biệt trong việc tăng lương và cơ hội thăng tiến khiến họ cảm thấy không công bằng và không được đối xử xứng đáng.
Vfa để giải quyết vấn đề này thì chuyên gia kinh tế Hideo Kumano – nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, cho rằng hệ thống lương hiện tại cần phải cải cách để công bằng hơn đối với mọi lứa tuổi. Theo ông, nếu hệ thống tuyển dụng và thăng tiến không phân biệt tuổi tác mà chỉ dựa trên hiệu suất công việc, thì các lao động thuộc thế hệ băng hà sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn, từ đó giúp cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống của họ.
Bên cạnh đó, việc mở rộng các hình thức việc làm linh hoạt cũng là một giải pháp quan trọng để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, đồng thời giúp tạo ra một môi trường công bằng cho mọi thế hệ. Các công ty Nhật Bản hiện nay cũng đang thử nghiệm nhiều hình thức làm việc từ xa và các chính sách công việc linh hoạt, nhằm thu hút nguồn nhân lực đa dạng và giữ chân lao động chất lượng cao.
Cải cách toàn diện
Không chỉ các chuyên gia kinh tế, mà nhiều tổ chức lao động cũng đã kêu gọi chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện những cải cách mạnh mẽ để giải quyết vấn đề phân hóa lương giữa các thế hệ.
Một trong những giải pháp được đề xuất là tạo ra các chương trình đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho lao động trung niên, giúp họ có thể nâng cao kỹ năng và cải thiện khả năng cạnh tranh trong môi trường làm việc ngày càng thay đổi.
Nhìn chung, những cải cách này không chỉ có ý nghĩa đối với các lao động trung niên, mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản, khi mà sự bất bình đẳng trong lương và cơ hội thăng tiến đang ngày càng trở thành một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của xã hội và nền kinh tế.
Không có bình luận.
Bạn có thể trở thành người đầu tiên để lại bình luận.