Tỷ giá WON Hàn (KRW) hôm nay 20/05 tiếp tục giảm trong bối cảnh Đô la Mỹ (USD) mạnh lên. Khi giá dầu tăng cao, WON Hàn suy yếu, các doanh nghiệp tư nhân Hàn Quốc đang phải phải vật lộn để tồn tại giữa cơn lạm phát cao và chi phí tăng vọt
Tỷ giá WON Hàn 20/05 tiếp tục suy yếu
Hôm nay 20/05/2024, 1 WON Hàn (KRW) ước tính quy đổi được 18,75 đồng Việt Nam (VND), giảm nhẹ 0,04 đồng so với chốt phiên cuối tuần trước
Tương tự như các đồng tiền khác trong khu vực châu Á, đồng Won Hàn Quốc phải đối mặt với áp lực bán tháo mới khi đồng USD tiếp tục tăng giá mạnh mẽ. Nguyên nhân chủ yếu do tâm lý nhà đầu tư đẩy lùi việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, động thái hạ tỷ giá tham chiếu hằng ngày của Trung Quốc đối với đồng Nhân dân tệ cũng góp phần gia tăng áp lực bán ra đối với đồng Won.
Hôm nay 20/05/2024, tỷ giá Đô la Mỹ (USD) so với WON Hàn (KRW) quy đổi ở mức 1.356 KRW/USD. Nhìn chung, đồng Won đã giảm 7,6% so với USD trong năm nay, trở thành đồng tiền hoạt động kém hiệu quả thứ hai trong khu vực châu Á, chỉ sau đồng Yên Nhật Bản.
Hàn Quốc vốn được biết đến là quốc gia thường xuyên tham gia thị trường ngoại hối để điều chỉnh biến động tỷ giá hối đoái khi có biến động mạnh. Trong quý 4 năm ngoái, các nhà chức trách đã mua ròng USD sau 9 quý liên tiếp mua Won để ngăn chặn đà trượt giá của đồng tiền này.
Doanh nghiệp Hàn Quốc vật lộn trong bối cảnh lạm phát cao, chi phí tăng vọt
Bảy triệu doanh nghiệp tư nhân của Hàn Quốc (chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực ăn uống và bán lẻ), nắm giữ hơn 20% tổng lực lượng lao động của cả nước, đang vật lộn để tồn tại giữa cơn lạm phát cao và chi phí tăng vọt.
Theo Viện Nghiên cứu Bất động sản Hàn Quốc, tỷ lệ cửa hàng trống trên toàn quốc đã đạt mức cao kỷ lục 13,7% trong quý đầu tiên của năm nay. Ngay cả các khu vực sang trọng của thủ đô Seoul như Gangnam và Itaewon cũng đầy rẫy những nhà hàng và cửa hàng trống.
Ông Ryu Deok-hyun, chủ một nhà hàng ở Seoul sáu năm qua, đã thu hút được lượng khách quen đông đảo nhờ giá cả thực phẩm phải chăng. Tuy nhiên, doanh nhân 60 tuổi này gần đây đã cảm nhận được sự khó khăn của lạm phát cao. Tháng 03/2024, giá bắp cải (một nguyên liệu quan trọng trong các món ăn Hàn Quốc) đã tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, giá ớt bột, củ cải, hành tây và thịt lợn cũng tăng từ 10% đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái, chi phí nhân công, tiền thuê mặt bằng và hóa đơn nước điện cũng đang tăng cao.
Đối mặt với lợi nhuận ít ỏi, ông Ryu vẫn do dự trong việc tăng giá các món ăn trong thực đơn. “Tôi lo ngại việc tăng giá thực phẩm sẽ khiến khách hàng đến ăn ít hơn. Nhưng nếu tôi không tăng giá thì khó có thể sinh lời. Điều đó thực sự khiến tôi lo lắng. Hiện tại, tôi đang sống bằng tiền vay. Nhưng bây giờ lãi suất vay đã tăng từ 2% lên 6%, cộng với chi phí cố định tăng mạnh, tôi thấy khó có thể trụ vững”, ông nói.
Không giống như ông Ryu, nhiều chủ nhà hàng chọn cách thường xuyên tăng giá thực đơn để đáp ứng chi phí ngày càng tăng, dẫn đến việc lượng khách hàng giảm và doanh nghiệp đóng cửa. Cho đến nay, chi phí ăn ngoài đã cao hơn tỷ lệ tăng giá chung trong 35 tháng liên tiếp tại Hàn Quốc, và tỷ lệ đóng cửa các doanh nghiệp nhà hàng đạt mức 10% vào năm ngoái, cao nhất kể từ năm 2005.
Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ duy trì hoạt động đều đang gánh khoản nợ lớn. Dữ liệu cho thấy gần 60% doanh nghiệp tư nhân phụ thuộc vào vay mượn để duy trì hoạt động, và tính đến cuối tháng 3 năm nay, tổng nợ của các doanh nghiệp tư nhân Hàn Quốc lên tới khoảng 1.112 nghìn tỷ WON Hàn Quốc (khoảng 821,03 triệu USD), tăng 51% so với năm 2019.
Do giá dầu quốc tế vẫn ở mức cao, đồng WON Hàn Quốc tiếp tục suy yếu, xu hướng giá cả tăng cao dự kiến sẽ tiếp tục và Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) tiếp tục duy trì lãi suất chuẩn cao, các doanh nghiệp tư nhân phải gánh nặng trả nợ vay và có khả năng sẽ tiếp tục gặp khó khăn về tài chính trong ngắn hạn.
Giá WON chợ đen hôm nay 20/05/2024
No comments.
You can be the first one to leave a comment.