Tăng giá điện sinh hoạt từ 11/10/2024, người dân phải trả thêm bao nhiêu?

Comment: 1

Chợ giá – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây đã có quyết định về việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8% kể từ ngày 11/10. Điều này có nghĩa là các hộ gia đình, cá nhân sẽ phải trả thêm chi phí cho hóa đơn tiền điện sinh hoạt bắt đầu từ tháng tới. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về mức tăng giá điện mới trong bài viết sau đây!

Giá bán lẻ điện sinh hoạt là gì?

tang gia dien sinh hoat
Kể từ ngày 11/10/2024, giá bán lẻ điện bình quân tăng 4,8%

Giá bán lẻ điện sinh hoạt là giá bán điện áp dụng với hộ sử dụng điện cho nhu cầu sinh hoạt có hợp đồng mua bán điện trực tiếp với bên bán điện. Mỗi hộ sử dụng điện trong một tháng được áp dụng một định mức sử dụng điện sinh hoạt.

Nếu bên mua điện sinh hoạt có các hộ sử dụng điện dùng chung công tơ thì áp dụng giá bán điện cho các hộ sử dụng theo nguyên tắc định mức chung của bên mua điện bằng định mức của từng bậc nhân với số hộ sử dụng điện dùng chung công tơ.

Quy định mới về tăng giá bán lẻ sinh hoạt

quyet dinh tang gia tien
Ông Trần Việt Hòa – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực phát biểu

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Quyết định số 1046/QĐ-EVN ngày 11/10/2024 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, kể từ ngày 11/10/2024, giá bán lẻ điện bình quân tăng 4,8% từ mức 2.006,79 đồng/kWh lên mức 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). 

Quyết định tăng giá điện lần này được đưa ra trong bối cảnh tình hình tài chính của EVN vẫn rất khó khăn. Năm ngoái, tập đoàn này lỗ gần 22.000 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện. Tuy nhiên, khoản lỗ này chưa gồm 18.032 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá của hợp đồng mua bán điện treo từ 2019 đến 2023.


Bảng giá bán lẻ điện sinh hoạt kể từ 11/10/2024

Theo quyết định tăng giá điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam thì bảng giá bán lẻ điện sinh hoạt cũng sẽ được điều chỉnh như sau:

Bậc Mức sử dụng Giá bán điện (đồng/kWh) Mức tăng lên (đồng/kWh)
Từ ngày 11/10/2024 Trước ngày 11/10/2024
1 0-50 kWh 1.893 1.806 87
2 51-100 kWh 1.956 1.866 90
3 101-200 kWh 2.271 2.167 104
4 201-300 kWh 2.860 2.729 131
5 301-400 kWh 3.197 3.050 147
6 401 kWh trở lên 3.302 3.151 151

Như vậy, đối với các hộ sử dụng điện bậc 1 (0-50kWh) tiền điện tăng thêm 4.350 đồng/tháng; bậc 2 (51-100kWh) thêm khoảng 8.850 đồng/tháng; bậc 3 (101-200kWh) – chiếm 34,31% số hộ sinh hoạt, mức tăng tiền điện 19.250 đồng/tháng.

Đối với các hộ sử dụng điện bậc 4 (201-300kWh) trả thêm 32.350 đồng/tháng; bậc 5 (301-400kWh) tăng 47.050 đồng/tháng; bậc 6 (401kWh trở lên) phải trả thêm khoảng 62.150 đồng/tháng.

Lưu ý: Riêng trong tháng 10/2024, mức giá điện mới áp dụng từ 11/10, nên khách hàng sẽ có 10 ngày sử dụng giá cũ và 21 ngày sử dụng giá mới. 

Ví dụ: Khách hàng A (định mức một hộ) trong tháng 10/2024 sử dụng 150kWh điện. Cách tính số lượng điện tính theo bảng giá cũ là: 150 (tổng số sử dụng) x 10 (số ngày sử dụng giá điện cũ) chia cho 31 (tổng số ngày sử dụng điện trong tháng) bằng 48kWh. Còn lại 102kWh điện sẽ được tính theo giá điện mới.

Cách tính bậc thang giá điện trong tháng 10 cũng sẽ thay đổi theo cách tính bằng phương pháp nội suy. Ví dụ, bậc thang 1 giá điện sinh hoạt hiện nay là dưới 50kWh thì với 10 ngày đầu tháng 10 này sẽ là dưới 16kWh (50 x 10 (ngày sử dụng giá cũ) chia cho 31 (tổng ngày sử dụng điện). Còn bậc thang 1 của 21 ngày cuối tháng là dưới 34kWh (50 x 21 (ngày sử dụng giá mới) chia 31 (tổng số ngày sử dụng điện)). Cách tính tương tự với các bậc thang điện còn lại.

Như vậy, số tiền điện khách hàng A phải trả trong tháng 10 (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) gồm lượng điện sử dụng trong 10 ngày đầu tháng tính theo giá cũ với bậc thang giá điện 3 cộng với 21 ngày cuối tháng tính theo giá mới với bậc thang giá điện 3, theo cách tính bậc thang đã được điều chỉnh như trên.

Mức tăng giá điện ảnh hưởng như thế nào đến người dân?

nguoi dan phai tra them bao nhieu khi gia dien tang
Bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.

Về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Trong đó, hộ nghèo tiếp tục được hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.

Đối với các hộ sử dụng điện dưới 50kWh (chiếm 11,51% số hộ sinh hoạt), mức tiền điện tăng khoảng 4.350 đồng/hộ/tháng. Đối với nhóm khách hàng sử dụng từ 51-100 kWh (chiếm 15,53% số hộ sinh hoạt), mức tăng tiền điện tăng khoảng 8.850 đồng/hộ/tháng. Đối với nhóm khách hàng sử dụng từ 101-200kWh (chiếm 34,31% số hộ sinh hoạt, đang là nhóm khách hàng lớn nhất), mức tăng tiền điện tăng khoảng 19.250 đồng/hộ/tháng.

Hiện trên cả nước có hơn 17,4 triệu hộ dùng điện sinh hoạt dưới 200 kWh một tháng, tương ứng với 61,35% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt. Theo tính toán trên, mỗi hộ trong số này phải trả thêm bình quân 13.800 đồng một tháng, mức tăng không đáng kể cũng như không ảnh hưởng quá lớn đến nhóm khách hàng sinh hoạt phổ biến này.

Đối với nhóm khách hàng sử dụng điện từ 201-300kWh (chiếm 18,5% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 32.350 đồng/hộ/tháng. Đối với khách hàng sử dụng điện từ 301-400kWh (chiếm khoảng 8,87% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 47.050 đồng/hộ/tháng. Đối với khách hàng sử dụng điện từ 400kWh trở lên (chiếm khoảng 11,28% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 62.150 đồng/hộ/tháng.

Đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ (547.000 khách hàng), trung bình mỗi tháng trả 5,17 triệu đồng tiền điện. Sau điều chỉnh, mỗi tháng sẽ trả thêm 247.000 đồng.

Với đơn vị sản xuất (1,921 triệu hộ), trung bình mỗi tháng trả 10,38 triệu đồng. Sau điều chỉnh, tiền điện tăng thêm 499.000 đồng/tháng.

Nhóm hành chính sự nghiệp (691.000 khách hàng) trung bình mỗi tháng trả 1,93 triệu đồng. Sau điều chỉnh, nhóm này phải chi trả thêm 91.000 đồng/tháng.

5/5 - (1 bình chọn)