“Hồi chuông” cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu

Phản hồi: 1

Chợ giá  – Thị trường tài chính toàn cầu đã có một phiên giao dịch đầu tuần “chảo đảo”, từ chứng khoán, tiền số, đến các loại hàng hóa như vàng, dầu,…Sự suy giảm của thị trường tài chính bắt nguồn từ việc các dữ liệu chỉ ra rằng nền kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái.

suy thoai kinh te my
Nỗi lo về khủng hoảng kinh tế tại Mỹ đã tạo ra sự hỗ loạn trên thị trường tài chính

Vào ngày 02/08 vừa qua, Bộ Lao động Mỹ đã công bố số liệu báo cáo thị trường lao động Mỹ tháng 7/2024 yếu hơn so với dự báo và tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng vọt.

Theo đó, Bộ Lao động Mỹ cho biết kinh tế nước này chỉ tạo ra thêm 114.000 việc làm trong tháng trước, giảm gần 36% so với tháng 6 và thấp hơn 38% dự báo từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên 4,3%.

Báo cáo hàng tuần của cơ quan này cũng cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2023. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (ISM) ngành sản xuất – một thước đo về hoạt động của các nhà máy – chỉ đạt 46,8 điểm, một mức điểm thấp hơn dự báo và được xem là một tín hiệu của suy thoái kinh tế.

Những số liệu trên được công bố chỉ một ngày sau khi Fed đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất 23 năm. Điều này khiến các nhà đầu tư tỏ ra lo ngại rằng nền kinh tế số 1 thế giới có thể sẽ bỏ lỡ thời điểm để “hạ cánh mềm” và Fed có lẽ đã trì hoãn quá lâu việc cắt giảm lãi suất. Nỗi lo về khủng hoảng kinh tế tại Mỹ đã tạo ra làn sóng bán tháo trên thị trường, khi các nhà đầu tư tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro trên toàn thế giới.

Chứng khoán toàn cầu “chìm” trong sắc đỏ

chung khoan toan cau chim trong sac do
Chứng khoán toàn cầu “chìm” trong sắc đỏ

Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm điểm mạnh kể từ ngày 01/08 và trong ngày 05/08 vừa qua, Dow Jones có lúc giảm tới 1.200 điểm, tương đương hơn 3%. Tính tới lúc 21h19 theo giờ Hà Nội, chỉ số này đang giảm 1.016 điểm (2,56%). Tại thị trường giao dịch phái sinh (tương lai), chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi giảm lần lượt 2,85% và 3,47%.

Tại thị trường Nhật Bản, ngày 05/08 đã trở thành một ngày đen tối chưa từng có trong lịch sử chứng khoán nước này. Làn sóng bán tháo lớn đến mức các công cụ ngắt mạch thị trường đã được kích hoạt, sàn giao dịch chứng khoán Osaka buộc phải tạm ngưng giao dịch hợp đồng tương lai Nikkei 225 và Topix. Có thời điểm Nikkei 225 – được coi là hàn thử biểu của chứng khoán Nhật Bản giảm 13%, vượt mức kỷ lục “Thứ Hai đen tối” vào hồi năm 1987. Chỉ số này đã kết kết phiên ở mức 31.458,42 điểm, giảm 12,4%.

Tại thị trường Hàn Quốc, các chỉ số chính như Kosdaq hay Kospi mất gần 11%. Sự lao dốc bất ngờ đã gây ra tình trạng hỗn loạn chưa từng có, buộc nhà chức trách nước này phải đưa ra hành động khẩn cấp là dừng mọi lệnh bán trong nỗ lực để ngăn chặn đà bán tháo.

Tướng tự, hàng loạt chứng khoán tại các thị trường từ Singapore, Australia cho đến Hong Kong đều đỏ sàn. Thị trường Việt Nam cũng có diễn biến đồng pha với khu vực khi giảm mạnh gần 50 điểm – mức giảm thấp nhất trong 4 tháng qua.

Tại thị trường châu Âu, chỉ số FTSE 100 và All Share của Anh mất hơn 2% ngay khi mở phiên. Các chỉ số chính của Đan Mạch và Ba Lan giảm gần 4%. Hợp đồng tương lai các chỉ số chính của Phố Wall cũng lùi sâu.


Đồng Bitcoin giảm đến 15% giá trị

gia bitcoin
Giá Bitcoin giảm gần 15% trong 24 giờ qua

Tiền số – kênh đầu tư được nhiều người ca ngợi là có khả năng chống lạm phát cũng “lùi sâu” cùng với chứng khoán. Đồng Bitcoin đồng tiền số vốn hóa lớn nhất thế giới – giảm gần 15% trong 24 giờ qua. Giá Bitcoin giảm từ gần 62.000 USD xuống còn khoảng 52.000 USD mỗi Bitcoin. Trong khi đó, Ethereum cũng ghi nhận mức sụt cao nhất kể từ năm 2021, với hơn 20%.

Áp lực bán tháo trên thị trường cũng lan rộng khiến hàng loạt nhà đầu tư bị thanh lý các vị thế giao dịch hợp đồng tương lai. Theo Coinglass, hơn 1 tỷ USD các vị thế đã bị thanh lý trên các sàn giao dịch tiền điện tử.

Tác động đến thị trường dầu

gia dau 30 07 2024
Giá dầu 30/7 giảm mạnh trước bất ổn chính trị và kinh tế

Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu thô thế giới đã lao dốc đến 4% khi các nhà đầu tư lo ngại về suy thoái kinh tế ở Mỹ. Bởi nếu một cuộc suy thoái kinh tế Mỹ xảy ra, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu có thể tăng chậm lại, thậm chí suy giảm, từ đó sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến giá đầu. Tuy nhiên, hiện tại các báo cáo thống kê cho thấy nhu cầu xuất khẩu dầu của Mỹ vẫn mạnh, thể hiện qua lượng dầu thô tồn trữ của nước này giảm mạnh. Báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ vào ngày 01/08 cho thấy lượng dầu tồn giảm 3,4 triệu thùng.

Ngoài ra, giá dầu còn đang đứng trước lo ngại về quyết định nâng sản lượng trở lại của OPEC+. Hồi tháng 6, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga đã nhất trí thu hẹp dần chương trình cắt giảm sản lượng dầu 2,2 triệu thùng/ngày từ tháng 10/2024 để tiến tới chấm dứt chương trình này vào tháng 9/2025.

Nhìn chung, đà bán tháo là một phản ứng bình thường trong bối cảnh bong bóng đã hình thành, các loại tài sản đã bị thổi phồng trong vài năm qua, kể cả đồng USD, vàng và cổ phiếu, chứng khoán… Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra khuyến cáo cho các nhà đầu tư rằng không nên phản ứng quá tiêu cực với số liệu việc làm tháng 7. Bởi diễn biến của thị trường tài chính sẽ phụ thuộc phần lớn vào đà hồi phục của thị trường lao động trong những tháng tới khi Fed chuẩn bị kế hoạch điều chỉnh chính sách cho cuộc họp tháng 9. Hiện thị trường đang tăng đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất vào tháng 9, thậm chí sớm hơn với mức giảm lên tới 50 điểm cơ bản (0,5%).

5/5 - (1 bình chọn)