Giá dầu thế giới đã tăng nhẹ trở lại vào phiên giao dịch sáng nay, nhờ hoạt động mua bù bán khống sau khi chạm mức thấp nhất trong gần hai tuần. Tuy nhiên, đà tăng này bị hạn chế do đồng USD đạt mức cao nhất trong bảy tháng.
Diễn biến giá dầu thế giới 14/11/2024
Giá dầu Brent giao sau đã tăng 39 cent, tương đương 0,5%, chốt ở mức 72,28 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô Tây Texas (WTI) của Mỹ cũng tăng 31 cent, tương đương 0,5%, lên 68,43 USD/thùng.
Giá dầu hồi phục nhờ giới đầu tư mua lại để bù trạng thái bán khống khi giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai tuần vào thứ 3 tuần này. Theo đó, giá dầu đã chịu áp lực sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu cho năm 2024 và 2025 do nhu cầu yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ và các khu vực khác.
Ngoài ra giá dầu thế giới còn bị chi phối bởi các yếu tố sau:
Dự báo tiêu cực từ OPEC
Bob Yawger, giám đốc mảng hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho, nhận định rằng dự báo của OPEC là yếu tố tiêu cực, và thị trường vẫn đang tiếp tục tiêu hóa thông tin này. Tuy nhiên, giá dầu tăng trở lại là do một số nhà đầu tư đầu cơ cố gắng thu hồi lỗ.
Sản lượng dầu toàn cầu có thể tăng kỉ lục
Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu của Mỹ dự kiến đạt trung bình 13,23 triệu thùng/ngày trong năm nay, trong khi sản lượng dầu toàn cầu có thể đạt mức 102,6 triệu thùng/ngày. Dự báo này cho thấy cả sản lượng dầu của Mỹ và thế giới đều có khả năng đạt mức cao kỷ lục mới trong năm nay.
Sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo OPEC+
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì “sự phối hợp chặt chẽ” trong OPEC+ qua cuộc điện đàm vào thứ Tư, cũng góp phần hỗ trợ giá dầu.
Các yếu tố rủi ro về nguồn cung
Ngoài ra, thị trường còn có nguy cơ bị gián đoạn nguồn cung từ Iran hoặc các xung đột tiếp tục leo thang giữa Iran và Israel. Nhà phân tích rủi ro chính trị Clay Seigle cho rằng nếu cuộc xung đột này tiếp diễn, Israel có thể tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Iran, bao gồm cả nhà máy lọc dầu và có thể là cả các cơ sở sản xuất và xuất khẩu.
Dự đoán rằng nếu Thượng nghị sĩ Marco Rubio – người có quan điểm cứng rắn với Iran – được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Mỹ dưới thời chính quyền Trump, điều này có thể khiến giá dầu tăng cao hơn do có thể áp dụng các lệnh trừng phạt mạnh tay, tiềm năng làm giảm 1,3 triệu thùng dầu mỗi ngày khỏi nguồn cung toàn cầu.
Tác động từ đồng USD mạnh lên
Giá dầu bị kiềm chế do đồng USD tăng gần mức cao nhất trong bảy tháng so với các đồng tiền chủ chốt khác sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát tại Mỹ trong tháng 10 tăng theo đúng kỳ vọng. Điều này có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cắt giảm lãi suất, làm cho dầu định giá bằng USD trở nên đắt hơn đối với các nước khác, từ đó có thể làm giảm nhu cầu.
Dự báo dự trữ dầu thô Mỹ
Theo các nguồn tin từ Viện Dầu mỏ Mỹ (API), tồn kho dầu thô tại Mỹ đã giảm 777.000 thùng vào tuần trước, trong khi các nhà phân tích kỳ vọng mức tăng nhẹ 100.000 thùng. Số liệu chính thức từ Chính phủ sẽ được công bố vào thứ Năm, sau kỳ nghỉ Ngày Cựu chiến binh.
Không có bình luận.
Bạn có thể trở thành người đầu tiên để lại bình luận.