Các cây xăng hay các đại lý bán lẻ xăng dầu tiến thoái lưỡng nan vì tình trạng ‘Chiết khấu 0đ’ quay trở lại khi diễn biến nguồn cung và giá cả xăng dầu cuối năm 2023 có nhiều biến động thất thường. Trong bối cảnh này, quy định mới về xuất hoá đơn khiến các đại lý xăng dầu rơi vào thế khó càng thêm khó.
Tại sao xuất hiện trình trạng ‘Chiết khấu 0đ’?
‘Chiết khấu 0đ’ là một thuật ngữ được sử dụng để thể hiện mức chiết khấu (hoa hồng) mà các thương nhân đầu mối gửi lại cho đại lý trên mỗi lít xăng dầu là rất thấp, hoa hồng giảm về 0. Điều này có nghĩa là các đại lý sẽ phải bán xăng dầu với giá bán lẻ gần bằng giá nhập cơ sở, không có lợi nhuận, càng bán càng lỗ.
Tình trạng chiết khấu 0đ đã xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2022, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao và biến động. Các thương nhân đầu mối cho rằng họ không thể tiếp tục duy trì mức chiết khấu cao cho các đại lý, vì điều này sẽ khiến họ bị lỗ. Tính đến tháng 12 năm 2023, chiết khấu 0đ vẫn đang là một vấn đề nan giải đối với các đại lý xăng dầu ở Việt Nam.
Ví dụ hôm nay 21/12/2023, mức thù lao mà Petromekong chiết khấu cho các doanh nghiệp bán lẻ đến ‘mua hàng’ tại kho Bạc Liêu là: 50đ/lít xăng 95, 50đ/lít xăng E95, 250đ/lít dầu. Các doanh nghiệp bán lẻ cho rằng họ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh, thậm chí có thể bị phá sản nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài.
Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng chiết khấu 0đ cho các đại lý xăng dầu ở Việt Nam:
- Giá xăng dầu ở Việt Nam chịu ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu thế giới và sự điều tiết của Nhà Nước khiến các thương nhân đầu mối khi nhập xăng dầu cũng phải chịu nhiều rủi ro về giá. Chủ một thương nhân đầu mối tại miền Tây cho biết do giá cả biến động, giảm mạnh trong kỳ trước nhưng dự kiến tăng trong kỳ này, khiến mức tồn kho bình quân lỗ nặng.
- Do chu kỳ điều chỉnh giá của Chính phủ diễn ra trong thời gian ngắn, trong khi nguồn hàng nhập khẩu hoặc mua trong nước về các thương nhân đầu mối, xuống hệ thống bán lẻ thường theo chu kỳ dài hơn, nên doanh nghiệp rất lo ngại giá cả biến động mạnh có thể khiến hiệu quả kinh doanh không đảm bảo.
- Các thương nhân đầu mối phải chịu nhiều loại thuế, phí khác nhau khi nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu
- Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ở Việt Nam không cao, khiến các thương nhân đầu mối gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hết lượng xăng dầu tồn kho.
Vì những nguyên nhân này nên về cuối năm, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao và nhiều biến động thì mức chiết khấu từ thương nhân đầu mối cho các đại lý bán lẻ xăng dầu càng thấp và tình trạng ‘Chiết khấu 0d’ quay trở lại.
Theo khảo sát của Chợ Giá, hôm nay 21/12/2023, mức hoa hồng cho các đại lý, cây xăng trên cả nước chỉ dao động trong khoảng 0-200đ/lít. Đây là mức cực thấp, doanh nghiệp phải gồng gánh bài toán vận hành. Trong bối cảnh đó, quy định mới về xuất hoá đơn khiến các đại lý cây xăng rơi vào thế ‘khó càng thêm khó’.
Bắt buộc xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng tại các cây xăng toàn quốc
Ngày 05/12/2023, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 5468/TCT-DNL thực hiện quy định hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 1123/CĐ-TTG ngày 18/11/2023 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử; Công điện 1284/CĐ-TTG ngày 01/12/2023 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Tuy nhiên quy định này đang vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, do họ sẽ phải tốn thêm chi phí đầu tư máy móc, con người để xuất hoá đơn, chưa kể với tình trạng ‘Chiết khấu 0đ’ quay trở lại thì quy định này sẽ làm cho bài toán vận hành của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khó càng thêm khó.
Lấy ví dụ, theo khảo sát của Chợ Giá, tại kho Nhà Bè, doanh nghiệp này đang được hưởng mức chiết khấu thấp 200đ/lít xăng, phải tự chịu chi phí vận chuyển xăng từ khoảng cách 60-100km là 300đ/lít, như vậy tính ra đã lỗ 100đ/lit. Nếu phải xuất hoá đơn thì sẽ mất thêm 300đ-500đ/tờ hoá đơn; chưa kể chi phí máy móc nhân công, chi phí quản lý, điện nước… khiến doanh nghiệp lỗ càng thêm lỗ.
Tổng kết lại, các cây xăng hay doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang phải chịu áp lực kép từ tình trạng ‘Chiết khấu 0đ’ cũng như quy định ‘xuất hoá đơn với mọi giao dịch xăng dầu’.
Hiện tại Cục Thuế đã ghi nhận những kiến nghị của các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu thời gian qua và chuyển các bộ, ngành có thẩm quyền. Trong thời gian chờ đợi, các tổ chức đơn vị kinh doanh vẫn phải chấp hành theo quy định hiện hành.
No comments.
You can be the first one to leave a comment.