Tập đoàn lớn nhất Việt Nam – Vingroup đang phải đối mặt với nhiều rủi ro tài chính ngày càng gia tăng do công ty con VinFast đang trên đà thua lỗ, bất chấp các kế hoạch mở rộng toàn cầu đầy tham vọng.
Được biết, sự mở rộng nhanh chóng của VinFast chủ yếu là dựa vào doanh số bán hàng cho các đơn vị liên quan, một xu hướng dự kiến sẽ tiếp tục tồn tại trong năm nay bất chấp những thách thức trong việc thu hút người mua cá nhân và trong bối cảnh nhu cầu xe điện toàn cầu suy giảm – theo phân tích của Reuters dựa trên các hồ sơ chứng khoán gần đây và thông tin do công ty cung cấp.
Kết quả này đã làm nổi bật một mối lo ngại của Tập đoàn Vingroup khi mà VinFast phải chịu khoản lỗ khổng lồ là 5,7 tỷ USD trong vòng ba năm qua.
Kể từ khi VinFast niêm yết tại Mỹ vào tháng 8 năm ngoái, cổ phiếu của VinFast đã giảm mạnh 38%, trong khi chi phí đi vay lại tăng cao.
Reuters cho biết thêm , theo hồ sơ cuối tháng 3 gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ, VinFast đã nhận được 11,4 tỷ USD vốn đầu tư từ VinGroup, các công ty liên kết và nhà sáng lập tỷ phú Phạm Nhật Vượng từ khi thành lập vào năm 2017 đến ngày 31 tháng 12 năm 2023.
Tháng trước, VinGroup tiết lộ việc bán cổ phần và tài sản trị giá 1,6 tỷ USD tại đơn vị bán lẻ Vincom Retail, một công ty tạo ra lợi nhuận đáng kể cùng với công ty con bất động sản Vinhome. Mặc dù vẫn có lãi nhưng đang gặp phải thách thức trên thị trường bất động sản.
Báo cáo cho biết, VinFast thông báo với Reuters rằng một phần số tiền thu được sẽ được phân bổ cho VinFast, nhấn mạnh tiềm năng tăng trưởng cao hơn của hãng. Hiện nay, có tới khoảng 82% trong tổng doanh thu 1,1 tỷ USD từ bán xe của VinFast là từ các công ty thuộc Vingroup hoặc thuộc sở hữu của ông Vượng – Tổng Giám đốc điều hành VinFast và đang kiểm soát gần 98% cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán của Mỹ.
Theo Reuters, gần đây doanh số bán lẻ của VinFast tại Việt Nam đều được thúc đẩy nhờ mức giảm giá đáng kể từ chiến dịch tiếp thị chung với Vinhome. Mức độ phụ thuộc vào VinGroup về bán hàng và tài chính chưa từng được tiết lộ trước đây.
Báo cáo cho biết, VinFast trước đó đã tuyên bố rằng khoảng 70% số xe được giao trong năm qua là cho Green SM (GSM), một nhà điều hành taxi và nhà cung cấp dịch vụ cho thuê do ông Vượng sở hữu 95%.
Ngoài doanh thu từ việc bán ô tô và xe máy điện trị giá 839 triệu USD cho GSM, thì VinFast còn có một hợp đồng bán xe điện trị giá 57 triệu USD với Vinhomes, hợp đồng bán xe điện trị giá 1 triệu USD với Vingroup và xe buýt điện trị giá 7 triệu USD cho VinBus vào năm ngoái.
VinFast cũng đã triển khai chiến dịch tặng nhiều phiếu mua hàng trị giá lên tới 350 triệu đồng cho mỗi khách hàng mới mua nhà tại Vinhomes vào năm ngoái. Theo như dữ liệu được cung cấp cho thấy, doanh số bán xe điện từ chương trình giảm giá đã tạo ra khoảng 14% doanh thu xe điện, có thể đại diện cho gần như toàn bộ doanh số bán lẻ của hãng tại Việt Nam.
Reuters cũng cho rằng, khả năng sinh lời của Green SM có thể chưa đến ngay lập tức nhưng được dự đoán sẽ xảy ra “trước năm 2030”. Với tham vọng tăng gần gấp ba doanh số bán xe trong năm nay của VinFast hiện đang gặp rất nhiều trở ngại trong bối cảnh nhu cầu xe điện toàn cầu đang suy giảm, có khả năng phải cần đến sự hỗ trợ tài chính bổ sung từ tập đoàn Vingroup.
Mặc dù trước đó VinFast đã tuyên bố rằng họ sẽ thu hút các nhà đầu tư chiến lược khi niêm yết công khai trên thị trường. Nhưng, nhà sản xuất xe điện này đã phải chứng kiến việc cổ phiếu của mình giảm mạnh tới 97% kể từ khi thời kỳ đỉnh cao sau khi ra mắt, điều này đã dẫn đến vốn hóa thị trường của công ty đang là 9,2 tỷ USD, nó thấp hơn nhiều so với giá trị vốn hóa thị trường của nhà sản xuất ô tô truyền thống Ford của Mỹ trước đó.
No comments.
You can be the first one to leave a comment.