Trong bối cảnh giá gas tăng cao như hiện nay, nhiều gia đình có xu hướng chuyển từ bếp gas sang bếp từ để tiết kiệm cũng như phòng ngừa rủi ro từ việc rò rỉ khí gas hay nổ bình gas. Tuy nhiên, việc sử dụng bếp từ tưởng chừng như an toàn cũng có thể dẫn đến những hiểm họa “khó lường”, thậm chí gây hại đến tính mạng cả gia đình.
Căn bếp suýt thành “quả bom” chỉ vì…một con chuột
Mới đây, video về sự việc hi hữu đang lan truyền trên mạng xã hội được nhiều người quan tâm. Vụ việc xảy ra tại nhà anh Lê Trọng Kiên (phố Lý Nam Đế, Hà Nội). Anh Kiên đã trích xuất camera gia đình và chia sẻ trên trang cá nhân của mình với lời nhắn nhủ hài hước: “Nguyên nhân cháy nhà là từ đây. Hy vọng video này rút kinh nghiệm cho nhiều gia đình”.
Theo đó, camera giám sát đã ghi lại cảnh một con chuột chạy qua khu vực bếp của gia đình. Sau hai lần chạy qua, chạy lại thì vô tình chiếc bếp từ tự khởi động chế độ nấu. Lúc này thời gian hiển thị trên camera là 4 giờ 50 phút sáng.
Chỉ trong khoảng 30 phút sau đó, khu vực nấu ăn và cả căn bếp đã bốc khói nghi ngút. May mắn lúc này, một người trong gia đình thức dậy và tắt bếp. Dưới đây là chi tiết vụ việc:
Có thể thấy nguyên nhân của tai nạn này bắt nguồn từ việc người trong gia đình quên khoá bàn phím an toàn, rút nguồn điện khi không sử dụng. Đây là lời cảnh báo đến các gia đình đang sử dụng bếp từ hay các loại bếp điện nói chung trong nâng cao ý thức phòng ngừa hỏa hoạn trong mọi trường hợp.
Những sai lầm khi sử dụng bếp từ mà nhiều người mắc phải
1. Không sử dụng bếp từ thường xuyên
Việc sử dụng bếp từ không thường xuyên có thể dẫn đến việc bếp bị hơi ẩm xâm nhập, gây chập mạch thiết bị. Vì vậy nên sử dụng bếp đều đặn để kéo dài tuổi thọ của thiết bị.
2. Rút nguồn điện ngay sau khi vừa nấu xong
Nhiều người có thói quen rút phích cắm điện ngay lập tức sau khi tắt bếp vì cho rằng như thế sẽ tiết kiệm điện năng. Tuy nhiên việc làm này không chỉ không giúp tiết kiệm điện mà còn là nguyên nhân gây hao hụt độ bền và tuổi thọ của bếp điện từ.
Sau khi nấu xong, thông thương quạt tản nhiệt bên trong sẽ tiếp tục hoạt động 3 đến 5 phút để làm mát và giảm độ nóng của bếp. Nếu rút nguồn đột ngột, quạt tản nhiệt không hoạt động nữa, làm chậm quá trình làm mát của bếp. Nhà sản xuất khuyến cáo rằng, bạn nên ấn nút OFF (Tắt) để tắt bếp và đợi khoảng 10 -15 phút rồi mới rút nguồn điện ra.
3. Không sử dụng tính năng Khóa an toàn
Đây là nguyên nhân có thể dẫn đến tai nạn cháy nổ đáng tiếc, cụ thể là trường hợp của gia đình anh Kiên đã nêu ở trên.
Khoá bàn phím an toàn trên bếp điện từ thật sự là một tính năng hữu dụng. Hãy luôn bật chức năng này, nhất là đối với gia đình có trẻ nhỏ, phòng trường hợp các bé vô tình chạm phải bếp và gây ra các tình huống không mong muốn.
4. Không sử dụng nguồn điện phù hợp
Thông thường các loại bếp từ, bếp điện hiện nay có công suất tương đối cao. Do đó việc sử dụng nguồn điện phù hợp sẽ giúp hạn chế tối đa nguy cơ chập, cháy điên. Tốt nhất là dùng nguồn điện có tải trọng cao hơn công suất bếp hoặc dùng thêm ổn áp có chức năng tự ngắt điện khi quá tải. Hạn chế việc dùng chung ổ cắm bếp từ với các loại thiệt bị khác.
5. Không vệ sinh bếp đúng cách
Bề mặt bếp từ thường rất dễ bị rạn nứt ở nhiệt độ cao nếu không làm sạch đúng cách. Khi nấu ăn, bạn tránh để thức ăn trào ra bếp và đồng thời phải vệ sinh bêp thường xuyên để làm tăng tuổi thọ cho sản phẩm.
6. Đặt các vật dụng không cần thiết lên bếp khi nấu
Tuy bề mặt bếp không sinh nhiệt khi nấu như đáy nồi lại có nhiệt độ khá cao. Việc đặt các đồ dùng không cần thiết lên bếp có thể khiến nhiệt độ truyền sang và gây nguy cơ bỏng cao.
7. Chạm vào bếp ngay sau khi nấu ăn
Không chỉ với bếp từ mà với tất cả các loại bếp nấu ăn trên thị trường đều có thể gây bỏng khi bạn chạm tay khi mặt kính bếp còn nóng. Vì vậy bạn không nên chạm vào hay làm vệ sinh ngay mà cần phải đợi cho bếp nguội hoàn toàn.
Trên đây là những lưu ý khi sử dụng bếp từ nấu ăn. Hy vọng hữu ích cho bạn!
Không có bình luận.
Bạn có thể trở thành người đầu tiên để lại bình luận.