Bất chấp nỗ lực của Chính phủ, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài tại Trung Quốc đang rút khỏi Trung Quốc. Việt Nam được hưởng lợi nhờ một phần chuỗi cung-ứng dịch chuyển sang Việt Nam. Các nhà phân tích cho rằng đồng Nhân dân tệ sẽ gặp nhiều áp lực giá trong trung và dài hạn do tín hiệu phục hồi mong manh từ kinh tế Trung Quốc.
Đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài tại Trung Quốc đều nhận tin tiêu cực
Thước đo đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc lần đầu tiên chuyển sang tiêu cực kể từ khi bắt đầu vào năm 1998, phản ánh việc các công ty nước ngoài rút tiền ra khỏi Trung Quốc do căng thẳng địa chính trị và lãi suất cao hơn ở những nơi khác.
Cơ quan quản lý ngoại hối nước này cho biết, FDI tính theo thước đo cán cân thanh toán đã giảm 11,8 tỷ USD trong quý 3 – phản ánh các công ty nước ngoài giảm hoạt động tái đầu tư lợi nhuận kiếm được ở Trung Quốc vào nước này. Đó là do mối quan hệ căng thẳng với phương Tây và các nước khác có lãi suất hấp dẫn hơn. Sau khi Mỹ tăng lãi suất, các nền kinh tế phát triển khác cũng đã tăng lãi suất trong khi Trung Quốc cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế.
Duncan Wrigley, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Pantheon Macro Economics, cho biết: “Các công ty nước ngoài đang chuyển thu nhập từ Trung Quốc về nước, trong khi trước đó họ đã tái đầu tư chúng”. Mặt khác, các công ty quốc tế, đặc biệt là các công ty Mỹ, đang cấu hình lại chuỗi cung ứng để sử dụng các lựa chọn thay thế cho Trung Quốc”.
Thước đo chính khác của Trung Quốc về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài do Bộ thương mại công bố đạt 920 tỷ nhân dân tệ (125,8 tỷ USD) trong ba quý đầu năm nay, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2022. Thước đo này bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm giá trị của đồng tiền Trung Quốc so với đồng đô la Mỹ trong năm nay.
Các công ty nước ngoài ở Trung Quốc hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp và định hướng xuất khẩu cho biết, lợi nhuận của họ giảm trong năm nay, do giá trị xuất khẩu của Trung Quốc giảm và sự sụt giảm nhu cầu đối với hàng hóa công nghiệp. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc, lợi nhuận của các công ty công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc đã giảm 10,5% trong ba quý đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái.
Michelle Lam, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại Societe Generale SA cho biết, dữ liệu cán cân thanh toán phản ánh việc “có nhiều khoản thoái vốn hơn là đầu tư mới, điều đó khá đáng lo ngại”.
Cũng như FDI, đầu tư gián tiếp nước ngoài vào các công ty Trung Quốc đã yếu đi trong năm nay do lo ngại về tăng trưởng kinh tế và môi trường lãi suất hấp dẫn hơn ở các quốc gia khác. Các quỹ nước ngoài đã bán 172 tỷ nhân dân tệ cổ phiếu đại lục trong 3 tháng (8,9.10). Dòng vốn nước ngoài của Trung Quốc có nguy cơ bị âm lần đầu tiên trong năm nay kể từ khi Trung Quốc mở liên kết giao dịch Chứng khoán giữa Đại lục-Hồng Kông vào cuối năm 2016.
Theo dữ liệu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố, lượng nắm giữ trái phiếu của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài trên thị trường liên ngân hàng Trung Quốc đã giảm từ mức kỷ lục 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào năm 2021 xuống còn 3,19 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào cuối tháng 9.
Tóm lại, Trung Quốc coi đầu tư của các công ty quốc tế là chìa khóa để nâng cấp nền kinh tế và đã tăng cường nỗ lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay. Các quan chức hàng đầu đã đưa ra những đảm bảo cho các giám đốc điều hành ở nước ngoài và các cơ quan chính phủ đã có cuộc họp với các công ty toàn cầu để yêu cầu đề xuất chính sách. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính tri và nền kinh tế phục hồi mong manh, chính sách lãi suất ít cạnh tranh so với các quốc gia khác đang khiến dòng vốn ngoại lần lượt chảy ra ngoài Trung Quốc.
Việt Nam được hưởng lợi khi vốn ngoại chảy ra khỏi Trung Quốc
Khi Trung Quốc không phải là điểm đến đầu tư nước ngoài hấp dẫn và căng thẳng địa chính trị với Mỹ leo thang thì một phần chuỗi cung -ứng đổ vào Việt Nam.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9/2023 nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao song phương, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới về liên kết kinh tế giữa hai nước, ‘bật đèn xanh’ cho các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng làn sóng bùng nổ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ các doanh nghiệp Mỹ và phương Tây có vẻ đang hình thành.
Hơn nữa, Mỹ đang xác định Việt Nam là đối tác quan trọng trong lĩnh vực đất hiếm, đảm bảo ‘an ninh khoáng sản’. Mỹ muốn giúp Việt Nam tính toán trữ lượng, đấu giá khai thác đất hiếm để chống lại ‘sự thống trị’ của Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/10, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 25,76 tỷ USD trong 10 tháng qua, tăng 14,7% so với cùng kỳ; giải ngân ước đạt khoảng 18 tỷ USD
Áp lực giá lên Nhân dân tệ trong trung và dài hạn
Chính quyền Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ tỷ giá đồng Nhân dân tệ (CNY) nhưng các nhà phân tích cho rằng đồng tiền này vẫn sẽ gặp nhiều áp lực giá trong trung và dài hạn do tín hiệu phục hồi mong manh từ kinh tế Trung Quốc.
Hoạt động sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc vào tháng 10 kém hơn nhiều so với kỳ vọng. Chỉ số PMI tháng 10 của Trung Quốc chỉ đạt 49,5 – rơi vào vùng suy thoái, cho thấy hoạt động sản xuất dịch vụ của nước này trong tháng 10 đang thu hẹp lại.
Chính phủ Trung Quốc đã kiểm soát chặt chẽ tỷ giá Nhân dân tệ trong nước bằng cách ấn định tỷ giá và biên độ dao động chỉ 2% để kiểm soát dòng vốn ngoại chảy ra khỏi Trung Quốc. Tuy vậy, cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài tại Trung Quốc trong quý vừa qua liên tiếp nhận các tin tiêu cực, chứng tỏ các biện pháp hỗ trợ hiện tại của Trung Quốc vẫn chưa đủ. Trung Quốc cần làm nhiều hơn nữa để phục hồi kinh tế và đạt mức tăng trưởng mục tiêu là 5% trong năm nay.
Giá Nhân dân tệ – CNY chợ đen hôm nay 05/11
Giá CNY chợ đen hôm nay
Bảng giá nhân dân tệ hôm nay 05/11/2023 của các ngân hàng Việt Nam
Không có bình luận.
Bạn có thể trở thành người đầu tiên để lại bình luận.