Chợ giá – Trong bối cảnh kinh tế không ổn định, hai thế hệ trẻ, Thế hệ Gen Z và Gen Y, đang trở thành tâm điểm của một hiện tượng tiêu dùng đáng lo ngại: chi tiêu hoang phí. Nhiều người trẻ hiện nay đã lựa chọn bỏ ra số tiền lớn cho những trải nghiệm như du lịch xa xỉ và quần áo hiệu, thay vì tiết kiệm cho tương lai.
Hiện tượng chi tiêu phung phí
Theo một bài viết trên Psychology Today, chi tiêu phung phí xảy ra khi cá nhân mua sắm một cách vô thức, thường để tự an ủi bản thân trong bối cảnh cảm giác bi quan về nền kinh tế và tương lai. Bà Ylva Baeckström – giảng viên tại Trường Kinh doanh King’s, nhận định rằng điều này vừa “không lành mạnh vừa mang tính định mệnh”.
Trong thực tế, một khảo sát của Intuit Credit Karma cho thấy 96% người Mỹ lo ngại về tình hình kinh tế hiện tại, và hơn một phần tư trong số đó đang chi tiêu hoang phí để giảm bớt căng thẳng.
Không chỉ có người Mỹ, hiện tượng chi tiêu hoang phí cũng đang diễn ra ở nhiều nơi khác, trong đó có Colombia. Stefania Troncoso Fernández – một chuyên gia PR 28 tuổi, chia sẻ rằng cô cảm thấy khó khăn trong việc tiết kiệm tiền giữa bối cảnh lạm phát cao và bất ổn chính trị.
Cô từng chi tiêu vô tội vạ vào quần áo và du lịch mặc dù thực tế tài chính ngày càng khó khăn hơn. “Đây không chỉ là câu chuyện của riêng tôi; đây là điều xảy ra trong vòng tròn bạn bè của tôi”, cô cho biết.
Thế hệ đầu tiên nghèo hơn cha mẹ
Theo Khảo sát An ninh Tài chính Quốc tế của CNBC, chỉ có 36,5% người trưởng thành cảm thấy họ có điều kiện tài chính tốt hơn cha mẹ mình. Hầu hết mọi người cho rằng họ đang gặp khó khăn hơn thế hệ trước.
Baeckström nhấn mạnh rằng “thế hệ hiện nay có thể là thế hệ đầu tiên nghèo hơn cha mẹ trong một thời gian dài”, và điều này dẫn đến cảm giác không thể đạt được những gì mà thế hệ trước đã xây dựng.
Tìm kiếm cảm giác kiểm soát
Chi tiêu hoang phí thường xuất phát từ cảm giác không kiểm soát được tương lai. Baeckström giải thích rằng khi người trẻ cảm thấy bất an về tài chính, họ có xu hướng tiêu xài nhiều hơn để tạo ảo giác về việc kiểm soát. “Nếu bạn tiết kiệm số tiền đó, bạn có thể đầu tư và thực sự mua được nhà”, bà nhấn mạnh.
Việc hiểu mối quan hệ của mỗi người với tiền bạc là vô cùng quan trọng trong việc thay đổi thói quen chi tiêu. Theo Baeckström, cách nuôi dạy và trải nghiệm cá nhân trong quá khứ đóng vai trò lớn trong cách mỗi người quản lý tài chính. Những người thiếu kiến thức tài chính thường dễ bị cuốn vào thói quen tiêu xài không lành mạnh.
Giải pháp để ngăn chặn việc chi tiêu hoang phí
Để cải thiện tình trạng này, chuyên gia tài chính Samantha Rosenberg đề xuất một số phương pháp hữu ích. Cô nhấn mạnh rằng mua sắm trực tiếp thay vì trực tuyến có thể giúp người tiêu dùng suy nghĩ kỹ hơn về quyết định mua sắm.
Việc thiết lập thông báo ngân hàng cũng giúp người tiêu dùng cảm thấy “đau đớn” hơn khi chi tiêu, từ đó giảm thiểu các khoản chi không cần thiết.
Ngoài ra, việc quay trở lại sử dụng tiền mặt có thể làm tăng nhận thức về chi tiêu, vì phương thức thanh toán này giúp mọi người cảm nhận rõ hơn về giá trị của đồng tiền.
Có thể thấy, việc chi tiêu hoang phí đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với Thế hệ Gen Z và GenY. Để cải thiện tình hình này, việc giáo dục tài chính từ sớm và tạo dựng thói quen tiêu dùng có trách nhiệm là rất cần thiết. Sự thay đổi trong cách nghĩ và hành động về tiền bạc có thể giúp các thế hệ trẻ có một tương lai tài chính ổn định và bền vững hơn.
Không có bình luận.
Bạn có thể trở thành người đầu tiên để lại bình luận.