Giá vàng miếng SJC tăng mạnh và thiết lập vùng đỉnh mới ở mức sát 86 triệu đồng/lượng trong bối cảnh phiên đấu thầu lần thứ 4 bị hủy bỏ. Như vậy trong 4 phiên đấu thầu do Ngân hàng nhà nước tổ chức thì có đến 3 phiên bị hủy và 1 phiên diễn ra thành công nhưng số lượng vàng bán ra quá ít. Kết quá là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới không những không giảm mà còn bị nới rộng hơn nữa.
Các phiên đấu thầu vàng liên tục bị hủy, nguyên nhân do đâu?
Theo chỉ đạo của văn phòng chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quay trở lại tổ chức đấu thầu vàng miếng sau 11 năm tạm dừng. Việc đấu thầu vàng miếng của NHNN với mục đích tăng cung cho thị trường, từ đó sẽ giúp hạ nhiệt giá vàng, kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đồng thời bình ổn thị trường vàng.
Tuy nhiên tính đến nay, trong 4 phiên được tổ chức thì chỉ có đến ba phiên đấu thầu bị hủy do không có đủ số thành viên đăng ký dự thầu. Chỉ có 1 phiên đấu thầu vàng thành công nhưng cũng chỉ cung ra thị trường được 3.400 lượng vàng.
Thực tế việc tổ chức đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng nhà nước còn nhiều bất cập khiến các đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu không nộp phiếu dự thầu. Một số nguyên nhân khiến các đơn vị không mặn mà với việc dự thầu bao gồm:
- Thứ nhất, giá khởi điểm đầu thấu quá sát giá thị trường nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp trong bối cảnh giá vàng diễn biến khó lường. Trong phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 03/05 vừa qua, NHNN đưa ra mức giá tham chiếu để tính giá đặt cọc là 82,90 triệu đồng/lượng bằng với giá mà người dân bán cho doanh nghiệp cùng thời điểm đó. Nói cách khác, nếu trúng thầu thì doanh nghiệp vẫn sẽ chịu lỗ. Hiện cả hai đơn vị đấu thầu thành công 3.400 lượng vàng SJC đều cho biết đang chịu lỗ so với mức họ mua vào.
- Thứ hai, điều kiện đấu thầu còn quá rắn. Theo đó, các đơn vị tham gia đấu thầu vàng phải mua lô lớn tối thiểu 1.400 lượng. Điều này đồng nghĩa với việc nếu mua vàng từ NHNN theo giá sàn 82,9 triệu đồng/lượng thì mỗi đơn vị tham gia nếu trúng thầu sẽ phải bỏ ra khoảng 120 tỉ đồng mà hiện tại rất ít doanh nghiệp có đủ tiềm lực với số tiền đó để đấu thầu.
Chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và thế giới ngày càng tăng
Thực tế, việc đấu thầu vàng của NHNN đã có tác động rất lớn tới diễn biến giá vàng. Cụ thể, trước mỗi phiên đấu thầu vàng diễn ra giá vàng đều đồng loạt giảm nhưng lại đảo chiều tăng trở lại nếu có thông báo hủy thầu hoặc số lượng vàng bán ra ít.
Vì thế sau khi 4 phiên đấu thuần diễn ra không thuận lợi thì giá vàng miếng SJC không những không giảm mà còn tăng phi mã lên các mức đỉnh mới và khoảng cách với vàng thế giới cũng càng ngày càng nới rộng. Hiện giá vàng miếng SJC đã lên sát mức 86 triệu đồng/lượng và chênh lệch với giá vàng thế giới đã tăng từ mức 9,53 triệu đông/lượng lên 15 triệu đồng/lượng.
Theo các chuyên gia nhận định, nếu NHNN tiếp tục để các điều kiện đấu thầu quá “rắn” như hiện tại thì việc tăng cung cho thị trường nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch với vàng thế giới là điều khó xảy ra.
Giải pháp nào để “hạ nhiệt” thị trường vàng trong nước?
Trong những năm gần đây, giá vàng miếng SJC thường diễn biến theo xu hướng “một mình một chợ”, bỏ xa giá vàng thế giới. Nguyên nhân chủ yếu là do sự mất cân bằng cung – cầu ở thị trường trong nước khi vàng miếng SJC được gắn mác “độc quyền” và NHNN không cho nhâp khẩu vàng nguyên liệu trong hơn 10 năm nay.
Vì thế trước mắt thì việc bổ sung nguồn cung bằng phương pháp đấu thầu được cho là hợp lý để giải quyết được vấn đề khan hiếm. Tuy nhiên để làm được điều này thì điều kiện tiên quyết là việc đấu thấu phải diễn ra thành công và số lượng vàng bán ra phải đủ để “hạ nhiệt” thị trường vàng.
Theo Chợ giá nhận định, để thay đổi cục diện trong đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước cần có sự điều chỉnh phù hợp hơn về lượng vàng phải mua tối thiểu hay mức giá sàn. Mới đây, ông Huỳnh Trùng Khánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã đề nghị NHNN xem xét điều chỉnh khối lượng đấu thầu tối thiểu khoảng 400 – 500 lượng. Số lượng này là vừa sức và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vàng cùng tham gia.
Tuy nhiên về dài hạn, chỉ đấu thầu vàng miếng là chưa đủ để thị trường vàng phát triển bền vững, đúng nguyên tắc kinh tế thị trường. Biện pháp được nhìn nhận là căn cơ giúp ổn định thị trường vàng, kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Giải pháp được đề xuất là cơ quan quản lý nên cho phép một số công ty kinh doanh vàng bạc đủ điều kiện, tự xuất nhập khẩu, kinh doanh vàng miếng và quản lý thuế lĩnh vực này hiệu quả. Ngoài ra, xóa bỏ độc quyền trong nhập khẩu và kinh doanh mua, bán vàng miếng cũng là một giải pháp bảo đảm công bằng, minh bạch thị trường vàng
Có nên đầu tư vàng trong thời điểm này?
Hiện nay vàng vẫn là kênh đầu tư hút tiền trong bối cảnh chứng khoán vẫn biến động thất thường, bất động sản khó khăn và lãi suất tiền gửi thấp. Tuy nhiên hiện giá vàng thế giới đang bước vào chu kỳ suy giảm, vì thế giá vàng trong nước cũng suy giảm theo. Vì vậy, các nhà đầu tư không nên có tâm lý “lướt sóng” trong thời điểm này bởi rủi ro rất cao.
Lời khuyên dành cho người mua vàng với ý định đầu tư trong lúc này là cần cẩn trọng và theo dõi sát diễn biến thị trường. Hiện tại, cả vàng miếng và vàng nhẫn đang ở trong cơn sốt. Vàng miếng đã ở mức gần 86 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn cũng đang tăng rất mạnh. Cùng với đó, nhu cầu mua vàng lại lên rất cao. Các nhà đầu tư nên chia nhỏ dòng vốn vào các kênh đầu tư khác để tránh thua lỗ và nên kiên nhẫn đợi thêm một thời gian nữa đến khi giá vàng ổn định hơn.
Thanh Tâm
Không có bình luận.
Bạn có thể trở thành người đầu tiên để lại bình luận.