Xăng dầu tăng 40-45%: Người tiêu dùng khốn đốn, doanh nghiệp thua lỗ

Phản hồi: 1

CHỢ GIÁ – So với cùng kỳ năm ngoái, giá xăng, dầu tăng 40-45%, khiến người tiêu dùng khó chi tiêu còn doanh nghiệp thêm thua lỗ.

Sau 6 lần tăng liên tiếp, giá xăng đang tiến sát 27.000 đồng và ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay. So với cùng kỳ năm ngoái, mỗi lít xăng RON95 đắt thêm 7.837 đồng; E5 RON92 là 8.220 đồng và dầu diesel đắt hơn 7.067 đồng.

Anh Thành, thợ phụ cho một công trình ở Bình Chánh (TP HCM), kể trước đây chiếc xe Wave của anh mỗi lần đổ chỉ tốn 70.000 đồng, nay phải mất 110.000 đồng mới đầy bình. Hay đi xa nên một tháng anh đổ 5 lần và so với trước, anh phải tốn thêm 200.000 đồng tiền xăng.

“Không chỉ giá xăng, mọi chi phí đi kèm đều tăng theo. Đặc biệt, giá thực phẩm, chi phí phòng dịch khiến tôi tốn thêm hàng triệu đồng trong khi thu nhập một ngày công vẫn chỉ 350.000 đồng”, anh Thành bộc bạch.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, so với cùng kỳ năm ngoái tăng, CPI tháng 2 tăng 1,42%. Nguyên nhân chính là giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới, cộng với giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết.

Người dân đổ xăng tại góc đường Hai Bà Trưng - Trần Cao Vân (quận 1, TP HCM). Ảnh: Quỳnh Trần

Người dân đổ xăng tại góc đường Hai Bà Trưng – Trần Cao Vân (quận 1, TP HCM). Ảnh: Quỳnh Trần

Ngoài hầu bao của người tiêu dùng bị bóp chặt bởi giá xăng, giá hàng hoá tăng cao, tiểu thương, thương lái tại các chợ TP HCM cũng đang chật vật vì xăng ăn mòn lợi nhuận của họ.

Chị Lê Phương, tiểu thương bán rau tại chợ Minh Phụng (quận 6) cho biết, nếu trước đây hai ngày đi nhập rau tốn 50.000 đồng tiền xăng, nay phải mất thêm 30.000 đồng. Một tháng chi phí xăng xe nhập hàng của sạp chị thêm gần nửa triệu đồng. Cùng với giá xăng, giá hàng hoá nhập cũng tăng thêm 15%. Tuy nhiên, vì sức mua yếu nên chị Phương chỉ tăng giá bán thêm 5%, 10% còn lại chị buộc phải cân đối để có khách.

“Chỉ tăng nhẹ giá bán nhưng sức mua yếu khiến doanh thu một ngày tại sạp tôi chỉ 300.000-500.000 đồng, giảm 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Kéo theo, lãi mỗi ngày chỉ khoảng 100.000-200.000 đồng”, chị Phương nói.

Theo chị Phương, thu nhập giảm nhưng các chi phí sinh hoạt, giá xăng, gas “leo thang” khiến gia đình chị như “ngồi trên đống lửa”.

Là thương lái chuyên bán sỉ gà cho các tiểu thương tại các chợ ở TP HCM, ông Tiến ở quận Gò Vấp cho biết, chi phí xăng xe cho việc đi giao gà của gia đình ông cũng tăng lên gấp đôi từ 300.000 đồng lên 600.000 đồng. Như vậy, một tháng mất thêm 9 triệu đồng cho tiền xăng.

Ngoài xăng, gia đình ông còn phải chịu chi phí nhân công giao gà, cộng giá gà tăng 30% so với cùng kỳ đẩy tổng mức chi phí mỗi tháng của của việc kinh doanh gà lên 100 triệu đồng thay vì 70 triệu đồng như trước đây. Sau khi trừ hết các chi phí, mỗi ngày ông Tiến cho biết chỉ lãi được 700.000 đồng thay vì 1,2 triệu đồng như trước.

“Trước đây giá xăng nhích nhẹ chúng tôi không để ý nhưng nửa năm nay khi tính toán lại tôi mới nhận ra rằng, lợi nhuận của mình bị ăn mòn bởi giá xăng”, ông Tiến nói.

Sạp rau tại chợ Xóm Mới (Gò Vấp) rất vắng khách. Ảnh: Thi Hà

Sạp rau tại chợ Xóm Mới (Gò Vấp) rất vắng khách. Ảnh: Thi Hà

Cũng đang bị “rút ruột” khi xăng dầu tăng kỷ lục, nhiều doanh nghiệp cho biết họ không những hòa vốn mà còn bị lỗ khi xăng dầu liên tục biến động.

Đặc biệt, với những nhóm ngành vận tải và sử dụng các phương tiện vận tải, giá xăng đang khiến chi phí đầu vào đội thêm 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá dầu đang chênh lệch 8.000 đồng một lít. Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Lâm Vinh cho biết, mỗi tháng công ty ông sử dụng khoảng 100.000 lít dầu cho xe vận tải. Với mức giá này, công ty đang gánh thêm khoảng 800 triệu đồng một tháng, chưa kể các chi phí nhiên liệu khác như săm, lốp và nhớt cũng leo thang 40% so với năm ngoái.

“Dầu, nhớt tăng khiến doanh nghiệp khổ rồi nhưng để có nhiên liệu này sử dụng chúng tôi còn khổ hơn. Năm ngoái, mỗi lần đặt mua đều được chiết khấu với giá 1.000 đồng thì nay dù mua với số lượng lớn vẫn phải trả tiền như giá mua lẻ”, ông Vinh bộc bạch.

Về phía các doanh nghiệp vận tải ở TP HCM, ngoài việc liên tục đàm phán với khách hàng về mức giá mới để giảm thua lỗ, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch thu hẹp hoạt động tới 50% và có ý định chuyển sang lĩnh vực khác để cắt lỗ.

Hầu hết doanh nghiệp sản xuất cho biết, giá thành sản phẩm chịu ảnh hưởng và đang tăng từ 5-15% tùy từng mặt hàng trong quý I, II. Lãnh đạo chuỗi siêu thị top đầu ở TP HCM thông tin, các doanh nghiệp sản xuất hàng đang tính điều chỉnh giá bán lẻ. Tuy nhiên, do sức mua trên thị trường quá yếu nên hệ thống đang cân nhắc và chờ động thái điều hành từ nhà chức trách.

Bộ Công Thương gần đây đề nghị Bộ Tài chính tính lại chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức đã áp dụng từ 2014, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam cũng như các loại thuế trong giá cơ sở, nhất là thuế bảo vệ môi trường.

Để giảm bớt áp lực giá xăng, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường từ 500 đồng đến 1.000 đồng trên mỗi lít xăng, dầu cho đến hết năm nay. Tuy nhiên, mức giảm này, theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp là “ít ỏi và không nhiều ý nghĩa”.