Vụ sập cầu Francis Scott Key vào ngày 26 tháng 3 năm 2024 đã gây sự chú ý cho Cảng Baltimore – một trong những bến cảng nhộn nhịp nhất ở Hoa Kỳ, khiến mọi hoạt động vận chuyển ở đây phải tạm dừng và ngay lập tức dừng mọi hoạt động ra vào của tàu thuyền.
Tuy cảng vẫn mở cửa cho những xe tải chở hàng sau sự cố sập cầu, nhưng tổn thất về giao thông hàng hải dự kiến sẽ gây thiệt hại đến 9 triệu USD mỗi ngày. Thiệt hại về kinh tế tổng thể có thể sẽ cao hơn khi mà hàng tỷ đô la hàng hóa bị định tuyến lại trong bối cảnh chuỗi cung ứng ở cảng này có thể bị gián đoạn trong nhiều tháng. Nó cũng có nghĩa là thành phố và tiểu bang sẽ bị mất nguồn thu thuế.
The Conversation đã yêu cầu Simona Stan – chuyên gia về chuỗi cung ứng và hậu cần tại Đại học Montana, giải thích về những tác động ngắn hạn và dài hạn của vụ tai nạn đối với hệ thống chuỗi cung ứng.
Cảng Baltimore quan trọng như thế nào?
Cảng Baltimore là cảng lớn thứ chín của Hoa Kỳ, tính theo tổng khối lượng về thương mại. Chỉ riêng trong năm 2023, cảng này đã vận chuyển khoảng 50 triệu tấn hàng hóa giữa Mỹ và các nước khác, phần lớn trong số đó được đựng trong các container vận chuyển lớn, giống như những container xếp chồng lên con tàu đâm vào cầu Francis Scott Key.
Mặc dù nhỏ hơn các cảng khác ở Bờ Đông và Vịnh Mexico nhưng nó vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc xử lý lưu lượng thương mại quốc tế của Hoa Kỳ. Điều đó đặc biệt đúng đối với một số sản phẩm như ô tô, máy móc hạng nặng và than đá . Cảng Baltimore cũng chịu trách nhiệm xử lý một phần lớn đường nhập khẩu của Mỹ.
Tác động ngắn hạn của việc đóng cửa đối với chuỗi cung ứng là gì?
Khoảng 15.000 công nhân tại cảng và khoảng 140.000 người khác sống phụ thuộc vào cảng sẽ cảm nhận được những tác động này ngay lập tức. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ sẽ bị sa thải, nhưng lưu lượng tàu thuyền và hàng hóa sẽ trở nên ít hơn đáng kể đồng nghĩa với việc sẽ có ít việc phải làm hơn.
Các công ty và người tiêu dùng dự kiến sẽ có một số sự chậm trễ đối với các gói hàng lẽ ra đã được cảng xử lý và thông quan. Mất bao lâu sẽ tùy thuộc vào thời gian để tàu được định tuyến lại đến các bến khác, nhưng chỉ nên cộng thêm vài ngày hoặc tối đa một hoặc hai tuần.
Baltimore chỉ chiếm khoảng 4% tổng thương mại của Bờ Đông , vì vậy nó sẽ không có tác động quá lớn. Các đại lý lúc này có thể sẽ gặp phải một số sự chậm trễ về việc nhận hàng hóa, nhưng mọi việc sẽ được giải quyết trong vòng vài ngày hoặc vài tuần sắp tới.
Tác động lâu dài là gì?
Tuy trước mắt chưa xảy ra tác động gì quá lớn nhưng nó lại gây những ảnh hưởng về lâu dài. Và gần đây, các chuỗi cung ứng đang chịu áp lực từ nhiều hướng.
Các cuộc tấn công của Houthi vào các tàu ở Biển Đỏ và các nút thắt ở Kênh Panama đã kéo dài thời gian giao hàng và tăng chi phí cho các công ty phụ thuộc vào các cảng Bờ Đông.
Việc tạm dừng giao thông hàng hải tại Cảng Baltimore đã tạo thêm một điểm áp lực cho thương mại trong khu vực. Điều này có thể khiến cho nhiều chủ hàng có lựa chọn gửi nhiều hàng hóa hơn qua các cảng ở Bờ Tây, những nơi không phải chịu nhiều thiệt hại từ các cuộc tấn công ở Biển Đỏ và các vấn đề Panama.
Điều này cũng có thể có nghĩa là các công ty vận tải đường bộ và đường sắt sẽ có thêm nhiều hoạt động kinh doanh hơn, đồng nghĩa với việc họ phải vận chuyển nhiều hàng hóa hơn từ Bờ Tây sang Bờ Đông, gây ảnh hướng về chi phí nếu điều này xảy ra một thời gian dài.
Cú sốc chuỗi cung ứng này so với những cú sốc gần đây như thế nào?
Từ góc độ của chuỗi cung ứng, đây là một tai nạn kỳ lạ. Nó kịch tính, sinh động và buộc mọi người phải chú ý đến vấn đề này.
Nhưng nó không giống như các cuộc tấn công ở Biển Đỏ hay tác động từ đại dịch COVID-19 vốn dẫn đến các vấn đề kéo dài về chuỗi cung ứng, hậu quả từ vụ sập cầu sẽ chỉ là một vấn đề tạm thời.
Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể sẽ thấy những áp lực của công chúng đối với các công ty trong việc cố gắng ngăn chặn điều tương tự xảy ra lần nữa – mặc dù nguy cơ tàu đâm vào cầu là rất thấp.
Không có bình luận.
Bạn có thể trở thành người đầu tiên để lại bình luận.