Nhu cầu xuất khẩu yếu làm giảm giá tiêu trong nước

Phản hồi: 1

CHỢ GIÁ -Theo thống kê, trong tháng 5/2022, giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt 4.504 USD/tấn, thấp hơn 2,7% so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 4/2022. Nhu cầu xuất khẩu yếu làm giảm giá thị trường tiêu nội địa.

Suy thoái kinh tế toàn cầu khiến xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam giảm đáng kể vào tháng 5 năm 2022. Cùng hoàn cảnh đó, giá tiêu xuất khẩu của những nước thành viên Hiệp hội Hồ tiêu Thế giới (IPC) cũng giảm do nhu cầu tại các thị trường tiêu thụ chính trong tháng 5 năm 2022 giảm.
 
Theo các chuyên gia, các thị trường tiêu thụ hồ tiêu truyền thống của nước ta được kỳ vọng sẽ tăng tốc nhập khẩu sau khi các tổ chức tài chính lớn trên thế giới có chính sách hợp lý và chủ động hơn để tránh tình trạng lạm phát.
 
Nhu cầu xuất khẩu yếu làm giảm giá tiêu trong nước
Nhu cầu xuất khẩu yếu làm giảm giá tiêu trong nước.
 
Sản xuất hồ tiêu của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu kết hợp với các nguyên nhân khách quan như giá đất, giá phân bón, giá thuốc, nhân công tăng cao.
 
Trong khi đó, nhà cung cấp hạt tiêu lớn thứ hai thế giới là Brazil vẫn đang có tốc độ tăng trưởng tốt cả về lượng và giá trị xuất khẩu. Việc Trung Quốc kiên định thực hiện chính sách “Zero Covid” không chỉ làm gián đoạn chuỗi cung ứng trong nước, mà còn ảnh hưởng đến giá tiêu Việt Nam trong thời gian tới. Xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc dự báo sẽ giảm thêm, đồng thời, một số lô hàng hồ tiêu bị kẹt tại cửa khẩu có thể được bán sang Việt Nam để giảm lỗ, gây áp lực lên giá tiêu trong nước.
 
Ngoài ra, tình trạng tắc nghẽn tàu có thể trở nên tồi tệ hơn sau khi các biện pháp phong tỏa của Trung Quốc được nới lỏng vì khối lượng hàng hóa được vận chuyển sẽ bùng nổ, tạo ra một áp lực rất lớn với vận tải biển.
 
 
 
Thụy Trang – Chợ Giá

Bạn thấy bài viết này thế nào?