Chợ giá – Giảm phát dai dẳng tại Trung Quốc đang trở thành một trong những thách thức lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt khi mức giá hàng hóa và dịch vụ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm trong 6 quý liên tiếp. Được biết, nếu như tình trạng này kéo dài thêm một quý nữa, đà giảm này sẽ ngang bằng với kỷ lục giảm phát trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990.
Giảm phát là gì và tại sao Trung Quốc lại rơi vào tình trạng này?
Ta có thể hiểu đơn giản giảm phát chính là khi mà giá cả của hàng hóa và dịch vụ giảm liên tục trên toàn nền kinh tế( nó khác với lạm phát – khi giá cả tăng). Trong khi các nền kinh tế khác, đặc biệt là Hoa Kỳ, chứng kiến tình trạng lạm phát giảm dần kể từ giữa năm 2022, thì Trung Quốc lại rơi vào một vòng xoáy giảm phát khó tháo gỡ.
Lý do chính khiến Trung Quốc rơi vào tình trạng này là do sức mua của người tiêu dùng yếu và sự suy thoái trong ngành bất động sản. Sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, cùng với các chính sách siết chặt đối với ngành công nghiệp, đã tạo ra một môi trường tiêu cực, khiến cho nhu cầu tiêu dùng giảm sút.
Bất động sản, một ngành trọng yếu của nền kinh tế Trung Quốc, tiếp tục đối mặt với tình trạng dư thừa sản phẩm, làm giảm giá và ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các biện pháp thắt chặt đối với các ngành công nghiệp có thu nhập cao như công nghệ và tài chính đã dẫn đến tình trạng sa thải và cắt giảm lương, làm giảm thêm nhu cầu chi tiêu. Điều này tiếp tục kéo dài vòng xoáy giảm phát.
Giảm phát tạo ra những rủi ro gì?
Mặc dù giá cả giảm có vẻ tốt cho người tiêu dùng trong ngắn hạn, nhưng thực tế lại khác. Người tiêu dùng có thể trì hoãn việc mua sắm vì hy vọng giá sẽ giảm thêm nữa. Hành động này không chỉ khiến hoạt động kinh tế đình trệ mà còn tạo ra áp lực lên thu nhập của người dân và làm giảm mức chi tiêu, từ đó tạo ra một vòng xoáy giảm phát liên tục.
Giảm phát cũng làm gia tăng lãi suất thực, tức là lãi suất đã được điều chỉnh theo lạm phát, điều này làm tăng chi phí vay nợ cho các doanh nghiệp và hộ gia đình. Khi chi phí vay nợ tăng cao, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đầu tư và mở rộng sản xuất, dẫn đến suy giảm nhu cầu và giảm phát tiếp tục kéo dài.
Khó khắc phục giảm phát: Nguyên nhân và các biện pháp của chính phủ Trung Quốc
Bắc Kinh cũng đã từng phản ứng với các đợt giảm phát trước đây bằng các biện pháp nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ và các chính sách kích thích tài khóa. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, chính phủ Trung Quốc đã tiếp cận các biện pháp kích thích thận trọng hơn, vì họ lo ngại việc chồng chất quá nhiều nợ có thể làm xấu đi tình hình kinh tế. Chính phủ cũng đã hạn chế việc sử dụng các biện pháp cũ như xây dựng cơ sở hạ tầng và bùng nổ bất động sản, thay vào đó tập trung vào các động lực tăng trưởng mới như công nghệ cao.
Mặc dù các biện pháp kích thích tài khóa đã được triển khai, bao gồm các khoản vay cho chính quyền địa phương và các hỗ trợ cho ngành ô tô và đồ gia dụng, chúng vẫn chưa đủ mạnh để đảo ngược tình trạng giảm phát. Niềm tin của người tiêu dùng và các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp, và thị trường nhà ở vẫn yếu, điều này khiến triển vọng kinh tế của Trung Quốc không được cải thiện nhiều.
Tác động của giảm phát với nền kinh tế toàn cầu
Tình trạng giảm phát kéo dài tại Trung Quốc không chỉ làm ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước mà còn có tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu. Bởi, Trung Quốc là một trong những nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới, và việc giảm giá cả tại đây có thể tác động đến nhu cầu hàng hóa xuất khẩu từ các quốc gia khác.
Đồng thời, nếu tình trạng giảm phát kéo dài, Trung Quốc có thể phải đối mặt với một cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, đặc biệt nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump thực hiện lời hứa áp thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc như trong chiến dịch tranh cử của mình.
Việc áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc có thể làm giảm sự thu hút của xuất khẩu từ Trung Quốc và khiến các nhà sản xuất khó khăn hơn trong việc tăng giá, làm trầm trọng thêm áp lực giảm phát. Các biện pháp thuế quan này có thể làm suy yếu thị trường tiêu thụ và giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh một nền kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi sau đại dịch.
Tác động đến các nhà đầu tư và thị trường quốc tế
Các nhà đầu tư nước ngoài đang phải đối mặt với những thách thức lớn khi tham gia vào thị trường Trung Quốc. Việc giảm thu nhập và lợi nhuận của các công ty Trung Quốc do giảm phát có thể khiến các nhà đầu tư phải xem xét lại chiến lược đầu tư của mình. Các công ty sản xuất ô tô cao cấp và các thương hiệu xa xỉ đã chứng kiến doanh số sụt giảm mạnh tại Trung Quốc khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Mặc dù vậy, thị trường trái phiếu Trung Quốc lại trở thành điểm sáng khi trái phiếu chính phủ Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn nhờ vào kỳ vọng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng. Giảm phát ở Trung Quốc có thể làm giảm áp lực lạm phát tại các nền kinh tế khác, nhưng điều này cũng tạo ra những lo ngại về sự trì trệ kéo dài trong nền kinh tế toàn cầu.
Không có bình luận.
Bạn có thể trở thành người đầu tiên để lại bình luận.