Đồng Yên Nhật tăng giá mạnh đã khiến thị trường chứng khoán Nhật Bản lao dốc mạnh vào hôm qua, khiến các nhà đầu tư phải vội vàng đánh giá lại triển vọng lợi nhuận tiềm năng và chấm dứt chuỗi tăng trưởng ấn tượng kéo dài nhiều tháng của thị trường Tokyo.
Yên Nhật tăng mạnh khiến chứng khoán Nhật Bản lao dốc
Hôm qua 05/08/2024 là 1 ngày ‘thảm sát’ với thị trường chứng khoán Châu Á nói chung và chứng khoán Nhật Bản nói riêng(chứng khoán Việt Nam cũng giảm điểm). Trong phiên giảm này, cả Nikkei 225 và Topix đều đã chìm vào thị trường đầu cơ giá xuống – trạng thái được xác định bởi mức giảm 20% kể từ đỉnh gần nhất là mức cao kỷ lục thiết lập vào hôm 11/7.
Trong đó, chỉ số chứng khoán Nhật Bản Nikkei đã mất đi 25% giá trị chỉ trong 03 phiên giao dịch. Vào thứ Hai, chỉ số này giảm mạnh 12,4%, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng Thứ Hai Đen Tối tháng 10 năm 1987. Cơ chế ngắt mạch tạm thời cũng được áp dụng. Xét về giá trị tuyệt đối, cú giảm 4.451,28 điểm của Nikkei trong phiên này là lớn nhất trong toàn bộ lịch sử của chỉ số.
Đến thời điểm hiện tại, Nikkei đã để mất toàn bộ thành quả tăng giá từ đầu năm đến nay. Chỉ số Topix cũng mất 12,23% đóng cửa ở mức 2.227,15 điểm.
Giá cổ phiếu của những công ty thương mại lớn như Mitsubishi, Mitsui, Sumitomo và Marubeni đồng loạt giảm trên 14%. Trong đó, Mitsui chứng kiến giá trị vốn hóa thị trường “bốc hơi” khoảng 20%.
Một phần nguyên nhân của đợt bán tháo này là do sự đảo chiều gần đây của đồng Yên Nhật sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản bắt đầu tăng lãi suất lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ.
Hiện tại, các nhà đầu tư buộc phải đánh giá lại triển vọng của các công ty Nhật Bản mà không có sự hỗ trợ từ tỷ giá hối đoái, yếu tố đã giúp đỡ nhiều nhà xuất khẩu lớn.
ông Amir Anvarzadeh của Asymmetric Advisors, một công ty tư vấn cổ phiếu tập trung vào Nhật Bản, cho biết: “Tất cả lợi ích, tất cả những yếu tố thuận lợi từ ngoại hối đã hỗ trợ cổ phiếu Nikkei 225 và các nhà xuất khẩu, các tập đoàn đa quốc gia, giờ đã biến mất”,
Một đồng Yên yếu làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình, nhưng lại có lợi cho các nhà xuất khẩu lớn như Toyota Motor, vì nó làm cho sản phẩm của họ rẻ hơn ở nước ngoài và tăng lợi nhuận khi lợi nhuận từ nước ngoài được chuyển về.
Để hiểu rõ quy mô của sự gián đoạn tiềm tàng đối với các ông lớn của ngành công nghiệp Nhật Bản, người ta chỉ cần nhìn vào Toyota. Nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới cho biết mỗi biến động 1 JPY so với USD tương đương với sự khác biệt 50 tỷ Yên (350 triệu USD) về lợi nhuận.
Đợt bán tháo đã lan rộng ra khỏi phạm vi của các nhà xuất khẩu, khi các ngân hàng và các ngành công nghiệp khác cũng bị ảnh hưởng, tạo ra một đám mây đen trên sự trở lại gần đây của thị trường Nhật Bản.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sự hỗn loạn của thị trường có thể mang lại một cơ hội cho các nhà đầu tư tìm kiếm được cơ hội mua vào các cổ phiếu tiềm năng từ các công ty xuất nhập khẩu Nhật Bản.
Chứng khoán Nhật Bản hồi phục trong sáng ngày 06/08/2024
Sau đợt bán tháo kéo dài 3 ngày khiến thị trường chứng khoán Nhật Bản chìm trong sắc đó thì tình hình hôm nay đã có sự cải thiện. Hai chỉ số chính Nikkei 225 và Topix đều tăng gần 11%, qua đó tạm lấy lại phần lớn những gì đã mất sau cú rơi hơn 12% ngay trước đó.
Tomo Kinoshita – Chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco Asset Management nhận định: “Khi cổ phiếu Nhật Bản phục hồi, phần còn lại của thị trường châu Á có khả năng sẽ cùng đi lên hôm nay.”
Mặc dù phục hồi nhưng các nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng khi thị trường chứng khoán vẫn đứng trước rất nhiều rủi ro, bao gồm đồn đoán về một cuộc suy thoái sắp xảy ra ở Mỹ, sự hạ nhiệt của cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI). Bên cạnh đó, đồng yen vẫn đang ở mức đỉnh cùng với triển vọng cắt giảm lãi suất sớm của của Cục dự trữ liên bang Mỹ cũng dẫn đến việc tháo gỡ các giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) – vốn là một chiến lược giao dịch phổ biến trên thị trường tiền tệ và tác động đến cả thị trường tài chính.
Không có bình luận.
Bạn có thể trở thành người đầu tiên để lại bình luận.