“Chiết khấu 0 đồng” – Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lao đao vì thua lỗ

Phản hồi: 1

Chợ giá – Vấn đề chiết khấu đã và đang là chủ đề “nóng”, gây nhiều ý kiến trái chiều suốt thời gian qua nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp căn cơ để tháo gỡ. Có thời điểm, chiết khấu xăng dầu “xuống đáy”, thậm chí bằng 0 khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ đứng trước nguy cơ đóng cửa vì thua lỗ. Điều này khiến nhiều người tỏ ra hoài nghi về việc thị trường xăng dầu hiện nay có thực sự vận hành với cơ chế cạnh tranh tự do, bình đẳng và công bằng?

Chiết khấu xuống thấp, doanh nghiệp càng bán càng lỗ

z5906478788182 727778484026514af98f047b353e0288
Nhiều cây xăng đứng trước nguy cơ đóng cửa vì càng bán càng lỗ

Trước đây, kinh doanh xăng dầu thường được coi là nghề “hái tiền” vì mức lợi nhuận cho mỗi lít xăng dầu lên tới cả ngàn đồng. Nhưng vài năm trở lại đây, khi giá xăng dầu biến động mạnh thì mức chiết khấu (hay được coi là hoa hồng) liên tục ở mức thấp , 0 đồng, có khi là “âm. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp, đại lý bán lẻ rơi vào cảnh đường cùng khi càng bán càng lỗ, thậm chí phải…bỏ nghề.

Điển hình như thời điểm cách đây 2 năm, chiết khấu quá thấp là nguyên nhân dẫn đến nhiều đại lý không nhập hàng, đóng cửa dài ngày. Hậu quả là thị trường xăng dầu hỗn loạn, người tiêu dùng phải thức thâu đêm rồng rắn xếp hàng chờ đổ xăng dầu. 

Tuy nhiên sau thời gian ổn định thì mới đây, một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên cả nước tiếp tục phản ánh về việc bị bóp chiết khấu ngay sau khi Bộ Công Thương điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu chiều 3/10. Theo đó, tại kho Nhà Bè vào sáng ngày 07/10, chiết khấu được các doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam áp dụng là 600 – 650 đồng/lít. Đến chiều ngày 07/10, đầu mối báo cắt tiếp chiết khấu, giảm xuống còn 100 đồng/lít. Một số kho lớn, mức chiết khấu chỉ còn 0 – 50 đồng/lít.

Tình trạng này cũng được các đầu mối áp dụng ở khu vực phía Bắc trong chiều ngày 6/10 vừa qua. Cụ thể, mức chiết khấu với dầu DO 0,05 chỉ còn 400 đồng/lít nếu lấy ở các kho K99, Nam Vinh, Hoàng Huy. Mức chiết khấu cho xăng RON 95 cũng xuống rất thấp, chỉ còn 350 – 400 đồng/lít nếu lấy ở các kho trên. Riêng với xăng E5 RON 92, chiết khấu chỉ còn 300 đồng/lít nếu lấy ở kho Petec, Đình Vũ (Hải Phòng). Theo các doanh nghiệp, để cầm cự được sau khi trừ chi phí (vận chuyển, trả lương nhân viên…) thì mức chiết khấu xăng dầu phải đạt khoảng 1.000 đồng/lít. Vì vậy, với mức chiết khấu như hiện tại, DN phải cố gắng cầm cự, thậm chí bù lỗ đến 700 – 800 đồng/lít, chưa kể các hao hụt trong quá trình vận chuyển.

Đáng lo ngại hơn, bên cạnh chiết khấu thấp, doanh nghiệp bán lẻ cũng gặp khó khăn trong việc đặt hàng do đầu mối “găm hàng” chờ điều chỉnh giá bán.Nếu tình trạng không có hàng kéo dài, sau vài ngày hết lượng tồn trữ, các cây xăng buộc phải đóng cửa. Điều này một lần nữa cho thấy sự bất công đối với các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ khi họ luôn chịu cảnh bị o ép về giá bán, chiết khấu.

“Thả nổi chiết khấu”, doanh nghiệp xăng dầu bán lẻ bị yếu thế

chiet khau thap khien nhieu doanh nghiep lao dao
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng quy định chiết khấu hiện nay là không phù hợp

Từ trước đến nay, dù qua nhiều lần sửa đổi nhưng vẫn chưa có có công thức nào, quy chuẩn nào để tính chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Lý do là để cho thị trường bán buôn xăng dầu cạnh tranh, nên “thả nổi” mức chiết khấu. Trong khi đó, giá bán lẻ xăng dầu lại quy định mức trần nên gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ.

Việc không có tiêu chuẩn, tỉ lệ phân chia chiết khấu, “thả nổi” chiết khấu được cho là điều không công bằng với doanh nghiệp phân phối, bán lẻ. Bởi với chính sách như hiện tại thì doanh nghiệp đầu mối có lợi thế hơn hẳn so với các đơn vị cơ sở:  Thuận lợi, lợi nhuận cao thì họ hưởng, thua lỗ, chiết khấu thấp, họ dồn hết cho các cây xăng lẻ. Điều này được thể hiện rõ ràng trong việc ngày càng nhiều doanh nghiệp bán lẻ phải đóng cửa do thua lỗ, còn một số “ông lớn” trong ngành xăng dầu vẫn có lợi nhuận nghìn tỷ. 

Điển hình, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa có văn bản giải trình báo cáo tài chính sau soát xét 6 tháng năm 2024 lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong nửa năm 2024 đạt gần 1.530 tỷ đồng, tăng tới 135% so với cùng kỳ năm trước, nhờ hoạt động kinh doanh ổn định, có hiệu quả và sản lượng bán tăng so với cùng kỳ năm trước. 

Trong khi đó, thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, trong quý 1 cả nước chỉ còn lại 15.935 cây xăng, trong khi cuối năm 2023 vẫn có tới 17.000 cây. Riêng tại TPHCM, 8 tháng đầu năm có 34 cây xăng đóng cửa.

Vậy câu hỏi đặt ra là “có thật sự tồn tại  thị trường xăng dầu đúng nghĩa với cơ chế cạnh tranh tự do, bình đẳng và công bằng? “.


Giải pháp nào để cân bằng lợi ích cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu?

can bang loi ich cho cac doanh nghiep ban le
Cần giảm vị thế độc quyền trong kinh doanh xăng dầu

Trong nhiều năm nay, đã có nhiều nghị định về kinh doanh xăng dầu để thay đổi phương thức hoạt động theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên mỗi lần sửa lại phát sinh các vướng mắc mới. 

Sau nhiều năm chịu cảnh bị o ép về giá bán, chiết khấu, ít khi biết kêu ai thì mới đây, hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ đã gửi đơn lên Chính phủ để cầu cứu về những vô lý bị áp đặt lâu nay. Theo đó, doanh nghiệp đề nghị cần có quy định rõ ràng, cụ thể về chi phí cho các nhà bán lẻ. Tức là cần đảm bảo trong khâu phân phối xăng dầu từ bán buôn đến bán lẻ, các chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức phải được “chia đều”.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kiến nghị cần giảm vị thế độc quyền trong kinh doanh xăng dầu. Việc nhà bán buôn ép chiết khấu thấp cho nhà bán lẻ là do chỉ được lấy hàng từ một nguồn. Nếu doanh nghiệp không lấy hàng thì không có hàng, nên đành phải chấp nhận.

Vì vậy, các đại lý bán lẻ xăng dầu cần được nhập hàng từ nhiều nguồn khác nhau nhằm đa dạng nguồn cung, đảm bảo nguồn cung và ổn định thị trường xăng dầu trong nước. Từ đó giải quyết được vấn đề các cửa hàng kinh doanh bị bóp nghẹt chiết khấu, bán lỗ như thời gian gần đây.

Nhìn chung, để giải quyết được các vấn đề còn tồn đọng thì việc lập sàn giao dịch xăng dầu và một biện pháp toàn diện đối với doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

  • Thứ nhất, các doanh nghiệp, nhất là bán lẻ được cởi trói kinh doanh, tự mua bán hàng hoá của mình và tính toán được lời lỗ của mỗi giọt xăng dầu hằng ngày. 
  • Thứ 2, đối với người tiêu dùng, họ không còn chịu cảnh hàng hoá đi qua nhiều trung gian, chi phí bị đội lên cao, bị đẩy giá bán lẻ lên một cách vô lý. 
  • Thứ 3, về an ninh xã hội, việc lập sàn giao dịch sẽ giảm được buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế khá nghiêm trọng như hiện nay.

Thanh Tâm – Chợ giá