Chợ giá – Trong quý 3/2024, gần như tất cả các tập đoàn dầu khí trên toàn cầu đều ghi nhận sự sụt giảm trong doanh thu do giá dầu thô giảm mạnh và biên lợi nhuận lọc dầu thu hẹp. Điều này khiến nhiều nhà máy lọc hóa dầu đối mặt với nguy cơ phá sản và phải tạm dừng hoạt động do chi phí vận hành cao hơn mức lợi nhuận thu được.
Ngành lọc dầu toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức
Theo thống kê quý 3/2024, hầu như tất cả các tập đoàn dầu khí trên thế giới đều sụt giảm doanh thu và lợi nhuận. Hãng dầu khí Phillips 66 của Mỹ lợi nhuận chỉ đạt 859 triệu USD, giảm đáng kể so với 2,1 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Riêng mảng lọc dầu của hãng đã lỗ 108 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 1,7 tỷ USD.
Hãng HF Sinclair của Mỹ cũng chịu tình cảnh tương tự. HF Sinclair có lợi nhuận ròng đạt 96,5 triệu USD, giảm mạnh so với 760,4 triệu USD cùng kỳ năm trước. Đối với mảng lọc dầu, công ty đã lỗ 212,2 triệu USD, còn cùng kỳ năm trước lãi 916,1 triệu USD.
Tại châu Âu, Tập đoàn TotalEnergies của Pháp đã giảm 37% lợi nhuận ròng so với cùng kỳ năm trước và giảm 12,7% so với quý trước. Tập đoàn BP của Anh có lợi nhuận giảm 31% so với cùng kỳ năm trước (từ 3,29 tỷ USD xuống còn 2,27 tỷ USD). Cũng tại Anh, hãng Shell đã giảm 600 triệu USD lợi nhuận trong mảng hóa chất và lọc dầu.
Tại châu Á, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (Indian Oil) có mức lợi nhuận ròng là 21,4 triệu USD, giảm tới 98,6% so với cùng kỳ năm trước. Tại Trung Quốc, Tập đoàn Hoá chất và Dầu khí Sinopec có lợi nhuận ròng giảm tới 52,1% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 1,2 tỷ USD.
Cùng diễn biến với thế giới, doanh nghiệp hàng đầu lĩnh vực xăng dầu tại Việt Nam là Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn – đơn vị quản lý vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng ghi nhận sự suy giảm trong doanh thu. Trong Quý 3/2024, doanh thu của BSR đạt gần 32 nghìn tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng đầu năm đạt hơn 87.058 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 674 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và 89% so với cùng kỳ năm trước. BSR cho biết công ty đã lỗ sau thuế 1.209 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 3.620 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ đầu tiên của BSR trong 4 năm qua (kể từ quý III/2020).
Nguyên nhân khiến ngành dầu mỏ toàn cầu gặp khó khăn
Ngành lọc dầu toàn cầu đang trải qua một thời kỳ đầy biến động do 3 yếu tố chính: giá dầu thấp, biên lợi nhuận bị thu hẹp và nhu cầu tiêu thụ giảm tạo ra áp lực chi phí lớn.
Trong quý 3/2024, giá dầu thô (Dated Brent) giảm từ 85,31 USD/thùng trung bình tháng 7/2024 xuống còn 74,33 USD/thùng trong tháng 9/2024. Bên cạnh đó, chênh lệch giữa giá dầu thô và giá sản phẩm (crack spead) cũng thu hẹp, dẫn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp bị giảm mạnh công ty giảm mạnh. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng tổng tài sản của công ty vẫn tăng thêm hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, từ 86,5 nghìn tỷ đồng lên 89,1 nghìn tỷ đồng.
Như cầu tiêu thụ dầu từ Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới – giảm mạnh cũng tạo áp lực lớn lên ngành dầu mỏ toàn cầu. Nhu cầu dầu của Trung Quốc suy yếu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nước này đang chậm lại, việc sử dụng xe điện đang gia tăng và cơ sở hạ tầng cùng ngành công nghiệp nặng đang không còn được ưu tiên.
Nhiều nhà máy lọc dầu đã phải tạm dừng hoạt động
Trước tình hình ngành hóa dầu toàn cầu đang suy giảm với cung vượt cầu và nhu cầu cho các sản phẩm hóa dầu suy giảm, nhiều nhà máy lọc dầu trên toàn cầu đã phải tạm dừng hoạt động.
Tại Trung Quốc càng trở nên nghiêm trọng khi vào tháng 9/2024, hai nhà máy lọc dầu là Zhenghe và Shandong Huaxing tại tỉnh Sơn Đông do Sinochem vận hành đã tuyên bố phá sản. Hai nhà máy này có tổng công suất chế biến khoảng 300.000 thùng/ngày.
Tại Việt Nam, Tổ hợp Hoá dầu Long Sơn tại Bà Rịa – Vũng Tàu cũng thông báo tạm ngưng hoạt động từ giữa tháng 10 để kiểm soát chi phí. Trong quý 3/2024, nhà máy Long Sơn lỗ ròng khoảng 1.560 tỉ đồng. Trong một thông báo mới đây, SCG – Công ty mẹ của SCG Chemicals (SCGC) là chủ đầu tư tổ hợp hóa dầu Long Sơn – cho biết sẽ đầu tư, nâng cấp tổ hợp hóa dầu Long Sơn sử dụng khí ethane nhập khẩu từ Mỹ với tổng vốn đầu tư khoảng 17.500 tỉ đồng, và sẽ tái khởi động tổ hợp khi điều kiện thị trường thuận lợi hơn.
Việc tạm dừng hoạt động cũng là một trong những chiến lược của các doanh nghiệp nhằm kiểm soát chi phí hoạt động cũng như có thời gian lên kế hoạch tái khởi động khi thị trường hồi phục. Tuy nhiên về lâu dài, các chuyên gia cho rằng: Ngành lọc dầu toàn cầu cần phải tái cơ cấu, chuyển hướng sang các nguồn năng lượng thay thế, hoặc đầu tư vào công nghệ mới để giảm chi phí. Ngoài ra, một số công ty đã bắt đầu thảo luận về khả năng hợp tác, hoặc mua lại các doanh nghiệp nhỏ hơn để củng cố thị phần và giảm thiểu tác động của sự biến động giá dầu.
Không có bình luận.
Bạn có thể trở thành người đầu tiên để lại bình luận.