Chợ giá – TikTok hiện đang phải đối mặt với một thách thức pháp lý lớn sau khi Tổng thống Joe Biden ký một đạo luật mới. Đạo luật này buộc công ty mẹ của TikTok – ByteDance, phải bán hoạt động của ứng dụng này ở Mỹ hoặc đối mặt với lệnh cấm hoàn toàn. Đây có thể là một bước ngoặt quan trọng trong việc áp dụng Tu chính án thứ nhất của Mỹ và là một phần trong chuỗi các vụ kiện nổi bật trong năm nay.
Động thái của TikTok trước đạo luật mới của Mỹ
Vào tối ngày 24/4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành đạo luật yêu cầu ByteDance (tập đoàn Trung Quốc sở hữu TikTok) có một năm để thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ, nếu không ứng dụng này phải đối mặt với lệnh cấm hoàn toàn. TikTok hiện có khoảng 170 triệu người dùng tại Mỹ, và lệnh cấm này đã làm dấy lên những lo ngại về an ninh quốc gia liên quan đến việc thu thập dữ liệu và tác động lên người Mỹ.
>>> Xem chi tiết: Vì sao Mỹ dọa cấm TikTok và liệu các nước khác có làm theo?
Phản ứng trước thông tin này, Shou Zi Chew – Giám đốc điều hành TikTok, tuyên bố sẽ có hành động pháp lý để chống lại luật mới của chính phủ Biden. CEO TikTok Shou Chew nhấn mạnh: “Chúng tôi tự tin và sẽ tiếp tục đấu tranh cho quyền lợi của các bạn. Thực tế và Hiến pháp đứng về phía chúng tôi và chúng tôi mong sẽ chiến thắng.”.
Theo đó, TikTok có thể sẽ tiếp tục dựa vào lập luận của Tu chính án thứ nhất trong Hiến pháp Mỹ để đấu tranh trước tòa, tương tự như những gì đã từng thực hiện để chống lại lệnh cấm của bang Montana. Vào năm ngoái, một thẩm phán liên bang đã dừng lệnh cấm toàn tiểu bang đối với TikTok ở Montana, cho rằng đạo luật này đã “gây tổn hại đến quyền Tu chính án thứ nhất của TikTok và cắt đi một nguồn thu nhập mà nhiều người dựa vào”.
Tu chính án thứ nhất là một trong những điều khoản quan trọng nhất của Hiến pháp Mỹ. Nó bảo vệ các quyền tự do cơ bản thiết yếu cho một xã hội dân chủ và nó đã được sử dụng để bảo vệ nhiều loại hình ngôn luận, gồm cả bài phát biểu chính trị, báo chí tự do và biểu tình.
Những thách thức pháp lý đối với TikTok
FBI trưởng Christopher Wray đã gọi TikTok là “mối lo ngại về an ninh quốc gia” vì ứng dụng này có thể bị chính phủ Trung Quốc sử dụng để thu thập và kiểm soát dữ liệu người dùng. Về phía TikTok họ khẳng định chưa bao giờ cung cấp dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc và đã đầu tư hàng tỷ đô la để giữ an toàn dữ liệu của Mỹ cũng như đảm bảo nền tảng không bị ảnh hưởng, thao túng từ bên ngoài.
Thách thức pháp lý sắp tới của TikTok sẽ là một trong số những trường hợp có thể cuối cùng đến Tòa án Tối cao Mỹ và định nghĩa lại quyền tự do ngôn luận trực tuyến. Những trường hợp khác liên quan đến khả năng các công ty mạng xã hội điều chỉnh nội dung trên nền tảng của họ và điều này có khả năng được quyết định trong năm nay.
Theo các chuyên gia pháp lý nhận định, chính phủ Mỹ chỉ có một lập luận rất hạn hẹp để buộc ByteDance bán TikTok. Ramya Krishnan, một luật sư cao cấp tại Viện Tu chính án Thứ nhất tại Đại học Columbia, cho biết: “Vấn đề ở đây không phải là lợi ích của TikTok, mà là lợi ích của hàng triệu người Mỹ đang sử dụng nền tảng này.” Krishnan cũng nhấn mạnh rằng chính phủ có thể đạt được mục tiêu bảo vệ người Mỹ bằng cách ban hành một đạo luật bảo vệ dữ liệu toàn diện.
Quang Toàn
Không có bình luận.
Bạn có thể trở thành người đầu tiên để lại bình luận.